THIỀN VÀ KARATE
Ngày xưa, học võ là một nhu cầu rất cần thiết chứ không phải là bộ môn thể thao nên nông dân, binh lính và những nhà tu hành ai cũng đều có thể học võ và giỏi võ. Trong môn võ Karate những nguyên lý của đạo Thiền đã được ứng dụng để giúp hoàn hảo các chuyển động tự vệ phối hợp giữa trí óc và thân thể. Người tập tư tưởng được tập trung thông suốt dẫn đến hiệu quả trong chiến đấu. Theo thuyết Trung Quán Tông (Madhiyamaka) của Nagarjuna (Long Thọ) (150 - 250) - Tổ sư thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ: Vạn vật đều mang tính chất tương đối và không có bản tính tự tại. Khi liên hệ với các sự vật khác thì một sự vật nào đó mới có ý nghĩa tương đối. Karate liên hệ với thuyết Trung Quán Tông dựa trên biến tượng Sunyata (điều kiện tính). Karate chỉ được hình thành khi các động tác, tư thế thích nghi với “điều kiện tính” tức là hòa hợp được với tự nhiên. Karate chỉ thuần túy phản đòn khi bị tấn công tùy thuộc vào số lượng đòn mà đối phương tung ra. Phản ứng như vậy được xem là không do ý chí. Do đó, nó cũng tùy đáp ứng mục đích “tùy nghi” trong ý thức Sunyata của Phật giáo. Như vậy, Karate chỉ xuất hiện khi các động tác, tư thế thích hợp với Sunyata. Trong nghệ thuật luyện quyền, người môn sinh Karate còn luyện tập nghệ thuật Hitsuzendo (Thư pháp thiền) và Shodo (Thư đạo) để tìm nhắc lại “Bản lai diện mục” (Original face) được “Tràn ngập năng lực từ cái nhìn giác ngộ”. Lúc thực hành, họ giữ cho tinh thần không xao động, không phân tán bởi các yếu tố bên ngoài. Thân có tịnh thì tâm mới an, bố cục mới hài hòa hợp lý. Một khi bút đã chấm mực thì nét không thể run rẩy hoặc dừng nửa chừng, vì nó sẽ làm bút khí ngưng trệ, tác phẩm sẽ không giá trị. Họ tập để không còn những chướng ngại trong tâm khi chiến đấu mới hiệu quả. Triết lý sống của thiền dựa trên quan điểm về sự hướng nội của mỗi cá nhân. Sống theo triết lý thiền là sống với “Cái thực tại”, bỏ đi những căng thẳng, lo âu của quá khứ và tương lai chỉ tập trung vào hiện tại, hoạt động đang làm. Thiền là lãnh địa của tâm năng trực giác, là ngôn ngữ của vô ngôn. Thiền là cái thế giới đang là, mọi sự vật, hiện tượng, tâm hay cảnh luôn đang trôi chảy, tất cả đều chuyển động biến đổi. Khi chúng ta đang sống thì các ý nghĩ khởi lên là điều tự nhiên, ngay cả lúc tọa thiền hay thiền hành cũng vậy. Điều quan trọng là để chúng tự đến và đi mà ta không theo đuổi chúng hoặc dẹp trừ chúng. Theo Thiền sư Kosho Uchiyama thuộc dòng thiền Soto (Tào Động), “Niệm khởi” là điều tự nhiên. Nhưng khi ta bám vào niệm đó, chạy theo chúng thì ta đang suy nghĩ. Nghĩ về việc gì là dùng ý nghĩ để bám vào việc đó. Không bám vào việc đó tức là buông xả. Thí dụ niệm “A” (đóa hoa) khởi lên khi ta nhìn thấy đóa hoa. Nếu có niệm “A1” (đóa hoa này đẹp) tiếp theo sau thì đó là suy nghĩ, dính mắc. Sau niệm A1 sẽ lại tiếp tục A2, A3, v.v… Tức là dù có niệm A nhưng nếu không có suy nghĩ nào tiếp tục thì niệm A sẽ tự biến đi ta không dính mắc vào nó nữa. Như vậy là chúng ta buông xả suy nghĩ. Trạng thái biến đổi trong tâm chúng ta cũng như trong thiên nhiên có lúc trời xanh quang đãng, có lúc giông tố mưa bão… Nó tự đến rồi tự đi như nhà thơ thiền Matsuo Basho viết: “Ao sâu / con ếch nhảy vào / vang tiếng nước xao”. Niệm vẫn luôn tự khởi do hoạt động của bộ óc con người trong đời sống hằng ngày, nó vẫn cần có những sự suy tính, phân biệt như đói thì nghĩ đến ăn, mệt thì nghĩ đến ngủ. Niệm có khởi thì chỉ cần không chạy theo chúng, không dính mắc, không nắm chặt lấy chúng mà không cần phải lo diệt trừ chúng. Ngồi thiền là quan tâm đến những hoạt động đó của bộ óc, hóa giải hiện tượng không để vào tiềm thức. Thiền không phải là hữu niệm hay vô niệm. Trong thiên nhiên bất tận, thiền dẫn dắt con người tìm về bản nguyên của mình. Muốn thế, việc trước nhất là phải phá vỡ bức tường ngăn cách giả tạo để nối liền cõi ý thức và vô thức, làm sống dậy tinh lực nguyên thủy. Thiền là một phương pháp luyện thân, luyện tâm và luyện tinh thần đã có từ rất xa xưa, sau đó Đức Thích Ca Mâu Ni đã sử dụng trở thành Phương pháp Quán nội (Vipassana), khai ngộ tiếp cận chân lý. Thiền là một trong những pháp môn tu tập của Phật giáo. Đứng về phương diện kinh điển đó là pháp môn “Bất nhị”, là Trí Bát Nhã (Prajnà paramita).
Về cơ bản của đạo Thiền, chúng ta có thể hiểu con đường truyền thừa là một con đường đặc biệt: truyền thừa tâm ấn (Tâm - Tâm). Tương truyền ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, khoảng trên 2.500 năm ở núi Linh Thướu (Radjgir) có lần Ngài không giảng Pháp như mọi ngày, tay cầm một đóa hoa sen đưa lên và không nói. Các đệ tử ngơ ngác không ai hiểu gì chỉ có ông Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakàsyapa) lặng lẽ mỉm cười bừng ngộ lời dạy của thầy mình (niêm hoa vi tiếu). Kệ (sutta) chính là cái chân như được hình tượng hóa trên bề mặt ngôn ngữ (Tâm - Tượng - Tâm). Do vậy, lĩnh ngộ được một bài kệ không thể lấy logic ngôn ngữ hay hình ảnh để soi xét mà phải qua một quá trình tham thiền bằng trực cảm tâm linh. Đó là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã sử dụng pháp môn lấy tâm truyền tâm, chứng ngộ vô văn tự để phát triển tuệ giác vốn có từ tâm. Từ đó, Tôn giả Đại Ca Diếp được truyền tâm ấn, sau đó là A Nan Đà, rồi tiếp tục truyền thừa đến đời thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma. Năm 529, ngày mồng chín tháng mười năm Bính Thìn nhằm niên hiệu Đại Thông năm thứ hai triều nhà Lương, Bồ Đề Đạt Ma tịch diệt sau khi đã hoàn thành truyền bá đạo Thiền ở Trung Quốc.
Thời gian Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Quốc, pháp môn tu tập của ông rất khó nghiên cứu mà phải chứng nghiệm trực tiếp (Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật). Tương truyền ở chùa Thiếu Lâm ông đã ngồi thiền suốt chín năm quay mặt vào vách đá, và cũng tại đây Huệ Khả (Thần Quang) chặt đứt cánh tay trái đứng dưới tuyết giá cầu đạo. Từ đó y bát dòng thiền đã được truyền thừa Nhị tổ là Huệ Khả, Tam tổ là Tăng Xán, Tứ tổ là Đạo Tín, Ngũ tổ là Hoằng Nhẫn. Đếnthời Lục tổ Huệ Năng đời nhà Đường thì Thiền tông đã phát triển rộng rãi, mang lại cho người tập một luồng gió mới. Bồ Đề Đạt Ma không những truyền bá về đạo Thiền và nghệ thuật uống trà, những hoạ sĩ của thời kỳ này đã miêu tả các đặc tính của khí công Phật giáo cùng với những lời diễn tả và quan điểm về môn võ Karate. Môn võ này được dạy như là một phần huấn luyện khí công của Phật giáo, chứa đựng các yếu tố về Karate mà nó đã được người ta tập luyện rất nhiều năm về trước. Đó là các dạng của chủ nghĩa Tao, chủ nghĩa La Mã, chủ nghĩa Thụ Động, chủ nghĩa Khoái Lạc và các tôn giáo huyền bí khác hoặc những triết lý thuộc về quá khứ. Đạo Thiền được ngưỡng mộ nhất đối với các tôn giáo này và đã được phát triển rộng rãi. Tại đây, Thiền và triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Trung Quốc, kết hợp với những tư tưởng của Khổng Mạnh và Lão Trang trở thành một trường phái lớn mang bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc này. Vì thế, Bồ Đề Đạt Ma được xem là vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Quốc. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ VII thời kỳ này ở Trung Quốc, Phật giáo có rất nhiều tông phái và đã nhiều lần tranh cãi. Để đối lại với khuynh hướng triết lý hóa của các tông phái khác, các Thiền sư đã chủ trương không xây dựng nghi thức tôn giáo, lý luận về giáo pháp mà chỉ quan tâm tới kinh nghiệm chứng ngộ. Người tập trực ngộ để nhận ra được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ tức là khi đạt được Phật tánh của mình, sự giác ngộ này là Thiền. Giai đoạn này, người có công phát triển thiền trở thành một tôn giáo phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc là Thiền sư Huệ Năng (638-713) - Vị tổ thứ sáu của Đạo Thiền. Nếu Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã có công đặt nền móng cho ngôi nhà Thiền tông thì tổ Huệ Năng được coi như người đã xây cất nên ngôi nhà kỳ diệu đó để còn lưu truyền đến ngày nay. Nội dung cơ bản của Thiền tông thời kỳ này là khuyên mọi người tập ngồi thiền, tìm về với cái bản thể, cái tự nhiên (gọi là kiến tính để thành Phật).
Đến thời Đường và đầu thời Tống (618-907), thiền tại Trung Quốc được chia làm nhiều tông phái. Tiêu biểu là Ngũ gia Thất tông (năm phái bảy tông) thuộc hai hệ thống khác nhau: hệ thống Nam Nhạc có Lâm Tế và Quy Ngưỡng, hệ thống Thanh Nguyên có Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn, gọi là Thiền Tông Ngũ Gia và hai nhánh phái của tông Lâm Tế là phái Dương Kỳ và phái Hoàng Long. Thời kỳ này, Thiền không chỉ là một tôn giáo phổ biến mà còn trở thành một triết lý sống có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là thời kỳ đạo Thiền được truyền sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Mặc dù trước đó, từ thế kỷ thứ III thiền đã được truyền sang Việt Nam, nhưng Thiền Trung Quốc thì phải đến thời kỳ này mới được phổ biến tại Việt Nam.
Thiền đến Nhật Bản từ thời Heian (794-1185) và nhanh chóng trở thành một tông phái Phật giáo được nhiều người ủng hộ. Thiền Nhật Bản rất nhiều dòng nhưng có hai dòng thiền chính là Lâm Tế (Rinzai) và Tào Động (Soto) được truyền từ Trung Quốc sang có chùa chiền, thiền viện được xây dựng ở khắp nơi. Thế kỷ XIII, tông Lâm Tế bắt đầu từ thiền sư Myoan Eisai (Minh Am Vinh Tây) (1141-1215), trung tâm là chùa Kenninji (Kiến Nhân tự) ở kinh đô chuyên tham cứu công án thiền đã có sẵn đồng thời dung hợp dòng thiền Thiên Thai và Chơn Ngôn cùng nghệ thuật uống trà Nhật Bản. Bên cạnh đó, tông phái Tào Động do Thiền sư Dogen Kigen (1200-1253) cũng đã phát triển, thường gọi là Eihei Dogen(Đạo Nguyên Hy Huyền) Sáng tổ tông Tào Động tại Nhật Bản. Tông phái này không xác lập hệ thống lý thuyết Phật học mà chủ yếu là hành thiền để tìm lại tâm mình, Phật tính cho chính mình và ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong mọi tầng lớp xã hội nhất là giới võ sĩ (Samurai) ở Kamakura. Họ tu tập theo dòng thiền này bởi nó không đòi hỏi nghi thức rườm rà và kinh điển như nhiều tông phái khác, tổ đình là thiền viện Daibutsu, sau này đổi tên là chùa Eiheiji (Vĩnh Bình tự). Tông Tào Động cũng được biết nhiều bởi nhiều thiền sư cũng là võ sư Karate Nhật Bản đã tới Hoa Kỳ để truyền pháp, mở thiền viện, đạo đường truyền bá đạo Thiền và Karatedo, cùng lúc với nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh. Hiện nay tông Tào Động tại Nhật Bản có khoảng 15.000 ngôi thiền viện và 8 triệu Phật tử. Tại Việt Nam tông Tào Động được truyền sang từ đầu thế kỷ XVII do Thiền sư Thủy Nguyệt, hiệu Thông Giác (1637-1704) đã từ miền Bắc Việt Nam qua Trung Quốc năm 1644 và thọ pháp với thiền sư Nhất Cú Tri Giáo, đời thứ 35 tông Tào Động. Sư được ấn chứng là tổ thứ 36 và được phép về Việt Nam truyền tông Tào Động. Tông này do hai thiền sư Trung Quốc sáng lập, vị khai tổ là Lương Giới Động Sơn (807- 869) và đệ tử là Tào Sơn Bổn Tịch (840-901). Danh từ Tào Động là do Tào Sơn và Động Sơn nhập lại. Lương Giới Động Sơn là đệ tử của Vân Nham, thuộc dòng Hành Tư Thanh Nguyên là một trong số đệ tử của Lục tổ Huệ Năng. Tông Tào Động sau này còn được gọi là Thiền Mặc Chiếu do thiền sư Tan Sia Tzu Chun (Đan Hà Tử Thuần) (1064-1117) khởi xướng nhưng tông này không phát triển mạnh ở Trung Quốc bởi không có đệ tử nổi tiếng. Sau đó, tông Tào Động rất nổi tiếng và ngày nay vẫn còn phát triển mạnh từ khi Eihei Dogen qua Trung Quốc thọ pháp về truyền bá tại Nhật Bản với một phong cách đặc biệt. Dogen không thích sự hoa mỹ, sư từ giã thiền viện Kenninji đến trú tại thiền viện Anyo In. Sau đó, sư đến thiền viện Koshoji và lập thiền đường để huấn luyện tăng ni cùng các cư sĩ. Vì nhu cầu của tăng sĩ nên Dogen phải lập thiền đường để có chỗ tu tập chứ ông luôn nhắc nhở môn đồ: “Xây chùa to, đúc tượng lớn, dựng tháp nguy nga, tráng lệ không phải là chỗ dẫn tới giác ngộ. Dù ở trong một chòi nhỏ, dưới gốc cây mà chúng ta hiểu được lời Phật dạy và hành trì theo đúng Pháp thì Phật giáo mới thịnh hành được”. Theo Dogen, chúng ta không nên thế tục hóa bằng hình thức lễ nhạc với tính chất trình diễn sân khấu mang màu sắc phàm tục, mê tín dị đoan vụ vào hình tướng. Nó không giúp con người khai thị được Phật tánh trong chính mình. Bởi Phật giáo không tùy thuộc vào hình tướng bề ngoài để nói lên sự tương hợp với khả năng hiểu đạo, hành đạo và chứng nghiệm. Trong thời gian ở thiền viện Koshoji, Eihei Dogen viết rất nhiều bài giảng về Thiền tông nên số đệ tử càng ngày đông đảo. Sư viết khoảng 120 bài giảng và 8 tác phẩm chính. Tác phẩm của Dogen được coi là xuất sắc trong nền văn học Phật giáo và cả ngay trong nền văn học Nhật Bản đó là kiệt tác: Shobogenzo (Chánh Pháp Nhãn Tạng) mà sư đã bỏ ra hai mươi lăm năm để hoàn thành. Dogen luôn chủ trương việc tọa thiền là cách tu hành tốt nhất để theo đúng với chánh pháp của Đức Phật. Ông cho rằng việc tu tập và giác ngộ là một, nó không phải là phương tiện để đạt cứu cánh là giác ngộ. Nếu việc giác ngộ chỉ đạt được sau khi tu hành thì không thể nói đó là bản nguyên được. Đó là cái “Bản lai diện mục”, cái tự tánh mà tổ Huệ Năng nói trong Pháp Bảo Đàn Kinh, cũng còn được gọi là Phật tánh. Sư cho rằng Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền trong sáu năm, còn Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma quay mặt vào vách đá tham thiền trong chín năm mới đạt tới giác ngộ viên mãn chứ chạy theo ngôn ngữ để có kiến giải tri thức thì không chứng đắc được. Giai đoạn này tông phái Tào Động rất nổi tiếng và bị một số người ganh tị làm ảnh hưởng thiền viện Koshoji. Eihei Dogen cùng một số đệ tử dời đến một ngôi thiền viện nhỏ là Yoshimine - Dera. Sau đó, nhờ sự bảo trợ của quận trưởng Yoshishige - người có thế lực và rất sùng bái đạo Phật cho xây thiền viện Daibutsu để sư trụ trì. Sau này, nó được đổi tên là thiền viện Eiheiji (Vĩnh Bình) là một trong hai tổ đình của tông Tào Động và một trong những ngôi chùa Thiền tông lớn nhất ở Nhật Bản. Eihei Dogen viên tịch năm 53 tuổi tại Kyoto. Thiền ở Nhật Bản không đơn thuần chỉ là một tôn giáo hay một phương pháp tu tập mà trở thành một lối tư duy phổ biến, một con đường tìm đến sự tĩnh tại trong tâm hồn của người Nhật. Tư duy thiền được sử dụng trong rất nhiều hoạt động khác nhau. Nghệ thuật thiền được áp dụng phổ biến để làm công cụ mô tả những kinh nghiệm hay chứng nghiệm, cũng như để tạo ra môi trường phù hợp cho việc tu thiền, học thiền và phổ biến triết lý thiền. Thiền tông không chỉ giới hạn trong giới Samurai và các nhà tu hành mà còn ảnh hưởng lớn lao đến văn hóa dân tộc, mang sắc thái hoàn toàn Nhật Bản. Nó bám rễ ở đây và đã sản sinh một nền văn hóa thiền như nghệ thuật uống trà, thư đạo, ngắm hoa, chơi vườn cảnh…
Thiền được truyền vào Việt Nam rất sớm, từ thế kỷ thứ III do Thiền sư Khương Tăng Hội (K’angsenhoui) là Sáng tổ của Thiền học Việt Nam, gốc người Iran (Sogdiane). Ông đã truyền bá đạo Thiền tại chùa Diên Ứng - Luy Lâu (Chùa Dâu, Pháp Vân - Hà Bắc). Với nhiều trước thuật, Khương Tăng Hội đã hòa nhập dòng thiền của ông với Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) - Người Ấn Độ học trò của Tam tổ Tăng Xán (thiền Trung Quốc). Cuối thế kỷ thứ VI, vào năm 580 ông sang Việt Nam truyền đạo được 19 đời. Dòng thiền thứ hai do Vô Ngôn Thông - Người Trung Quốc truyền sang vào năm 820 (chùa Kiến Sơ - Phù Đổng, Bắc Ninh) truyền được 17 đời. Các thiền sư của dòng thiền này rất nổi tiếng như Khuông Việt, Thông Biện, Mãn Giác, Minh Không, Giác Hải. Dòng thiền thứ ba do Thảo Đường người Trung Quốc, thuộc Vân Môn tông truyền đạo tại chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc - Hà Nội) vào thế kỷ XI, năm 1069. Dòng thiền thứ tư là Trúc Lâm Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh). Năm 1299, Phật hoàng Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - Vị vua thứ ba của vương triều Trần (1258-1308), sau hai lần đánh tan giặc Nguyên - Mông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông. Sau đó, ông đi thuyết pháp nhiều nơi rồi lên tu ở núi Yên Tửdưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ (Trần Tung) dựng Chi Đề tịnh xá, thọ trì 12 pháp Đầu Đà. Ông lấy Pháp hiệu là Hương Vân Đầu Đà và Sáng tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nhị tổ thiền Trúc Lâm là Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), Tam tổ là Huyền Quang (Lý Đạo Tái). Hương Vân Đầu Đà có nhiều trước thuật có giá trị trước và sau khi đi tu. Ông cũng là người thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó ở Việt Nam và lập nên Thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Sau này, ở Việt Nam còn xuất hiện một số thiền phái khác từ Trung Quốc sang như Tào Động (thời Trịnh - Nguyễn), phái Liên Tôn (thế kỷ XVI-XIX), Liễu Quán (thế kỷ XVIII) thuộc phái Lâm Tế. Tuy có nhiều dòng thiền khác nhau nhưng tư tưởng cơ bản của các dòng Thiền Việt Nam đó cũng đều đề cao cái “Tâm” (Citta). Họ cho rằng: Phật ở tại tâm, đạt chân tâm ấy là Niết bàn. Xuất phát từ quan niệm thế giới hiện tượng chỉ là ảo ảnh của bản thể, là vô thường nên lý tính nhận thức về thế giới này chỉ đạt tới chân lý tương đối. Thiền cho rằng cái cần được nhận thức là cái thực tại tuyệt đối đứng đằng sau thế giới hiện tượng. Thực tại tuyệt đối đó không thể biểu đạt bằng ngôn từ, bằng khái niệm. Con người chỉ tiến tới cảnh giới Niết bàn (Nibbàna) tức là trạng thái thoát khỏi luân hồi khi vượt qua được nhận thức lý tính gọi là Trí Thế Gian (Jnanalan kilam) và cảm nhận thế giới một cách trực tiếp nhất bằng trực giác gọi là Trí Bát Nhã (Prajnà paramita, Namah sarvajnaya). Trên cơ sở đó, Thiền Phật giáo đề ra con đường để đạt tới Trí Bát Nhã. Đó là con đường hướng nội, đảo ngược dòng nhận thức thông thường, từ bỏ hiện tượng, thoát khỏi khái niệm để đạt tới sự thể nghiệm, hội nhập tĩnh lặng vào ý thức tự nó. Nghĩa là, chúng ta đưa nhận thức đi từ cái biết đến không biết, từ phụ thuộc vào hiện tượng tới thoát khỏi giới hạn của hiện tượng. Quá trình đạt đến Trí Bát Nhã là sự tự chứng ngộ của mỗi người chứ không phải bằng nhận thức của người khác, không thể do người khác truyền dạy, không thể chia sẻ với ai và không thể biểu đạt bằng lời.
Tóm lại, những bài tập đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma truyền thụ đã đánh dấu rất lớn vào việc mang lại nhiều điều mở mang sáng tỏ cho người tập đạo Thiền, trở thành nền tảng Chuan fa (Kempo). Nghệ thuật tự vệ Karatedo và đạo Thiền có sự liên quan mật thiết về nguồn gốc nhằm đi đến giác ngộ (Satori). Nó đòi hỏi người tập Karatedo phải thể hiện triệt để mọi nỗ lực, khả năng sáng suốt của trí óc trong tất cả các suy nghĩ (Mushin) sau đó quên đi và sẽ nhận thức được mọi điều. Thiền và Karate có những gắn kết bởi Thiền chủ trương luôn sống trong hiện tại. Cái hiện tại đó không phải là sự trống rỗng mà tràn đầy sự tỉnh thức chiếu sáng. Trong sự tỉnh thức chiếu sáng đó người tập thấy tâm an, tự tại. Họ không ngoái cổ nhìn lại quá khứ để hối tiếc cũng không mơ tưởng tương lai để mong chờ. Tâm giác ngộ trống rỗng và bất động, nhưng uyển chuyển và bén nhạy vô cùng. Khi tâm bất động, ở vào trạng thái định, thì mọi sự phân biệt đều tự chúng tan biến cho nên mọi sự sợ hãi đều tự chúng tiêu trừ. Thiền không có dụng công mà chỉ thẳng thực chất sự việc, không cần lý luận, nghi thức mà lãnh hội chính bản thân mình. Do đó, khi ứng dụng thiền vào võ thuật sẽ làm cho người chiến sĩ khi tuốt gươm ra trận thì không còn ngoái cổ lại, không còn bị phân tâm khi đối diện giữa sự sống, chết. Người tập phải tập trung lượng định chính xác, đòi hỏi không có dấu vết giận dữ, vất bỏ nỗi sợ hãi và xem đối thủ như người khách quý. Sự luyện tập lâu ngày hữu chiêu trở thành “Vô chiêu”, hữu ý trở thành “Vô niệm” đạt tới trí huệ tự phát có thể kiến giải và đối phó với mọi tình huống một cách sáng tạo. Trong Karate những nguyên lý của đạo Thiền giúp hoàn hảo các chuyển động tự vệ và sự phối hợp trí óc và thân thể. Những nguyên lý của đạo Thiền khi nó đã thẩm thấu trong trí óc sẽ tạo ra cho cơ thể hành động rất hiệu quả và thành một thể thống nhất tuyệt diệu. Nhất là trong một thời điểm cơ thể và trí óc hoà hợp làm một sẽ đạt được thành công to lớn. Đóchính là sự hài hòa được các chất sinh hóa học trong não bộ của chúng ta. Tập thiền là giúp con người điều chỉnh lại nhận thức của mình. Vì chính nhận thức đó đưa đến cho con người khổ não, trầm luân hay là giải thoát. Giữa Võ sĩ đạo và đạo Thiền Phật giáo có nhiều điểm giống nhau nổi bật là những điểm sau đây: Sự đè nén cảm xúc; Thái độ thản nhiên trước những điều không thể tránh khỏi; Thái độ bình tĩnh nội tâm trước bất kỳ tình huống nào; Coi thường cái chết; Sự thanh bạch. Theo Thiền sư Kodo Sawaki: “Zen và Võ thuật là một”. Trong thiền cũng như trong võ thuật đòi hỏi sự khổ luyện không thể tính thời gian để đạt tới sự giác ngộ, thiền là cả cuộc đời, võ thuật cũng vậy. Thực hành thiền là dùng sáu giác quan hoặc Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) để biết và hiểu rõ kinh nghiệm sống của mình. Suy ngẫm tìm về chân tâm giúp quán chiếu Ngũ uẩn (Panca Khandhà) tức là cái Ta kết hợp với năm nhóm của các năng lực vật chất và tinh thần. Nó bao gồm: Sắc uẩn (tập hợp những yếu tố vật chất cấu thành thân thể con người gồm các ngũ quan, tay chân và ngũ tạng); Thọ uẩn (gồm các cảm thụ nảy sinh khi ngũ quan và cơ quan tinh thần tiếp xúc với thế giới bên ngoài); Tưởng uẩn (là những tri giác tưởng tượng bắt nguồn từ mối quan hệ của sáu năng lực con người với thế giới bên ngoài); Hành uẩn (là làm, chứa tất cả những hành vi, ý muốn); Thức uẩn (là ý thức hiểu biết). Mỗi Uẩn và tất cả đều thay đổi không ngừng, nó có tác động ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Mặc khác, nó ràng buộc và phụ thuộc với thế giới bên ngoài. Trong năm uẩn này, sắc thuộc về thực thể, là thân xác. Bốn uẩn còn lại thuộc về tâm, là ý, là ham muốn. Sắc là Tứ đại, gốc của bốn cái kia như Địa, Thủy, Hỏa, Phong (để diễn tả các trạng thái của vật chất lỏng, hơi, nóng, đặc, v.v...) trong trạng thái của các vật thể từ Vô cơ tiến đến cái tinh vi của Hữu cơ. Không trong Karatedo có nghĩa là tánh không (Sunyata) của Vạn pháp, là hiện tượng tạo tác rồi biến đổi. Khi một hợp duyên đã khởi và đủ điều kiện chín muồi thì một đối tượng mới sinh ra. Nó biến chuyển từ hình tượng này qua hình tượng khác tạm gọi là Duyên sanh. Không không có nghĩa là trống không màKhông ở đây là do Duyên sanh ở thân Tứ đại phối hợp lại rồi chuyển hóa từ không hóa có rồi từ có đến không, nó tồn tại giả hợp bao gồm vật và tâm. Không là sự chuyển hóa qua mười hai công đoạn (Hetupaccaya) mà trong triết học Phật giáo gọi là Thập nhị Nhân duyên (Duyên khởi) hoặc Nhân duyên sanh. Nó cũng không mang nghĩa là hư vô. Không là Đạo và Đạo chính là Không. Trong cái Khôngkhông phân biệt Ta - Người, Có - Không, v.v… đó là Tâm bất nhị (tức là không thể có hai thế giới). Thực hành thiền là làm chủ được vọng tưởng, không khởi niệm vọng tưởng nữa mà đi thẳng vào cơ chế của “Tánh giác” sẽ đi đến sự giác ngộ. Hakuin Ekaku - Một bậc thầy lớn về thiền đã từng nói “Học về bản ngã để quên đi bản ngã. Khi quên được bản ngã thì bạn sẽ hiểu được mọi điều”. Khi diệt được cái Ta bất trị thì nó không còn điểm tựa, mặt trời Giác ngộ mới bừng sáng từ trong Tâm con người. Một khi cái ngã đã chết thì “Đời sống” mới bắt đầu, đó là một cuộc sống tự tại và an lạc. Trong Thiền tông Phật giáo phủ nhận sự cứu rỗi như một phép lạ bởi nó không hóa giải được nghiệp mà trên tất cả chính là Phật ở tại Tâm, đạt chân tâm ấy là Niết bàn (là đạt được sự tĩnh lặng, giải thoát, buông xã tham dục, sân, si). Theo các nhà nghiên cứu võ thuật, những thế võ sơ khai của các nhà sư xuất phát từ các tư thế thiền. Những nguyên lý của thiền đã giúp hoàn hảo các chuyển động tự vệ và sự phối hợp giữa trí óc và thân thể. Cái thần của các võ phái phương Đông cũng chính là cái thần của thiền. Những tác phẩm điêu khắc cổ như các pho tượng Bách Phật Đồ (100 tư thế thiền) được thể hiện qua tư thế đứng hoặc ngồi rất giống các võ sĩ Karate nó được miêu tả rất sinh động. Vị trí phía bên phải các pho tượng Phật có những nét nhu nhuyễn, mềm mại nhưng tràn đầy nội lực và bên trái các pho tượng lại mang nét cương mãnh nhưng thanh thoát. Các võ sư Karate đã cho chúng ta thấy rất nhiều kỹ thuật võ học hiện đại trên đó. Qua một tư thế của Karate, chúng ta thấy nó được đặt căn bản trên các yếu tố ổn định và trung chính mà vẫn khoan thai, nhờ đó khí huyết mới lưu thông điều hòa, nội lực mới phát triển, cảm giác mới bén nhạy. Tư thế thiền thật ra chỉ là những hình ảnh thô sơ của các tư thế võ thuật. Các tư thế ấy chỉ thật sự sống động khi có luồng sinh khí của hơi thở (điều tức) mà ngày xưa Đức Thích Ca Mâu Ni đã sử dụng để khai ngộ. Hơi thở đó chính là nguồn sống của thiền và của võ thuật.
PHAN CHI