Tâm (Citta) là chủ của toàn thân (Tâm vương), nó thống trị tất cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức gây tạo nghiệp quả theo triết học Phật giáo. Tâm là dòng chảy liên tục biến động không ngừng. Khi cái Tâm cảm được sự biến đổi của sự vật diễn ra bên ngoài gọi là tình cảm. Con người có bảy thứ tình cảm phát lộ ra ngoài, nên gọi là Thất tình (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục). Tâm hoang mang bất định hoặc khiếp sợ, nóng nảy, giận dữ, kiêu căng, mừng rỡ, v.v… Trạng thái tâm lý của con người luôn biến động rất khó khống chế nhân tâm, tâm như con vượn, ý như con ngựa luôn chạy nhảy. Những trạng thái của thất tình không chừng mực thì thân, thủ, cước, nhãn pháp sẽ không tự chủ, chiến đấu dễ thất bại. Trong bản năng con người lại rất đa dạng, chẳng hạn thích hư vinh, hay ghen ghét, đau khổ với chuyện bất bình, sợ hãi trước hiểm nguy, sợ bóng tối và cái chết. Những thứ này đeo đuổi ta như cái bóng dưới ánh nắng theo hình. Lúc vọng động ta kiềm chế nó sẽ đi vào tiềm thức nếu không hóa giải được sẽ triền miên phiền não. Vì vậy, ta cần phải có một trạng thái an định (Samatha), không sợ sự quấy nhiễu bên ngoài để tâm mình an nhiên, tự tại trong chiến đấu mới thành công được. Khí và Tâm tuy là một nhưng như hai bánh xe răng cưa, sự vận hành của nó chịu ảnh hưởng với nhau. Khi Tâm vô úy, trí vô ngại thì khí biến đổi làm thể lực tăng tiến, thần sắc tươi nhuận. Trước buổi tập, các huấn luyện viên dành cho võ sinh mười phút tọa thiền để luyện khí pháp, luyện tâm pháp là cũng vì lẽ đó. Các phương pháp tu tập do con người tìm kiếm mục đích cũng chỉ để làm cho Tâm yên lặng thoát khỏi khổ ải đến bờ hạnh phúc. Thuật ngữ “Vọng tưởng” chính là sự “Nói thầm” trong não của chúng ta. Ta phải biết hóa giải để làm nó yên lặng thì mới tâm an, thần định. Người luyện tập Karatedo cấp cao đẳng lâu năm thường có tâm vô úy, vô tranh, vô thọ. Họ cảm thấy mình và vũ trụ không còn ngăn cách nhau nữa mà là một nhịp cầu cảm thông qua trung gian của khí. Khi đó, họ thoát ra khỏi cái tôi nhỏ bé và hòa hợp vào cái không của vũ trụ, lấy cái linh của vũ trụ làm cái linh của chính mình, lấy cái động của vũ trụ làm cái động của chính mình. Từ việc chiêm nghiệm trong cô tịch để làm chủ được bản ngã, bản thân người tập tìm về chân tâm, phát triển tuệ giác hướng đến Chân - Thiện - Mỹ. Karatedo không chỉ dạy luyện tập các bài quyền, đối kháng vì mục đích tranh giải để thắng, thua mà cốt lõi là học Đạo để diệt bỏ tự ngã, chiến thắng bản thân. Đó chính là đẳng cấp cao nhất của một Karateka.
 
Thầy Choji Suzuki trong các buổi giảng huấn cho chúng tôi trước đây thường hay nói tới câu: Mizu No Kokoro nôm na là Tâm phẳng lặng như mặt nước. Thực vậy hãy quan sát mặt nước trong một cái ao hay hồ, nếu nước trong vắt và yên tĩnh thì mặt hồ nước sẽ phản chiếu mọi sự vật xung quanh như một tấm gương. Trái lại nếu nước bị dao động thì sự phản chiếu bị sai lệch. Trong Karatedo, môn sinh phải tưởng tượng tâm của mình phải an tĩnh như mặt nước trong hồ, thấy tất cả sự vật xung quanh một cách chính xác. Cũng như mặt nước trong hồ phản chiếu mọi sự vật xung quanh trong chu vi của hồ nước, tâm của  ta cũng phải như thế. Và khi đạt được trạng thái yên lặng tâm của ta sẽ cảm nhận mọi sự việc thích đáng với ngoại cảnh. Và như thế ta sẽ cảm nhận được tất cả cử động của đối thủ như một tấm gương phản chiếu vật đối diện, như một thung lũng lặng yên một tiếng động nhỏ cũng vang dội. Nếu ta không tập trung tinh thần để tâm bị dao động giống như ném hòn đá xuống mặt hồ nước, sự an tĩnh của hồ nước sẽ bị dao động không còn phản chiếu sự việc như mắt thấy mà sẽ bị thay đổi. Chúng ta sẽ không còn nhận thức được đòn thế của đối thủ và thời gian phản ứng (thủ hay phản công) sẽ bị chậm lại.
 
      1) Tâm sáng như Mặt Trăng (Tsuki No Kokoro)
Ánh sáng rọi chiếu của mặt trăng khác biệt hơn ánh nắng của mặt trời. Ánh nắng của mặt trời có thể làm chóa mắt trong khi đó ánh sáng của trăng phản chiếu một cách nhẹ nhàng và ánh sáng đó chiếu trải đều trên khắp tất cả sự vật. Cái Tâm của người tập luyện Karatedo như mặt trăng có ngụ ý là phải nhìn thấu đối thủ một cách toàn diện, phải có cái nhìn tổng thể chứ không nên chú tâm nhìn vào một phần như đôi tay hay đôi chân của đối thủ. Nếu chỉ nhìn một phần của đối thủ, sẽ làm cho tâm của ta dễ bị chi phối và khi đối thủ tấn công, phản ứng của bạn sẽ chậm hơn và sự thất bại sẽ không tránh khỏi.
 
       2) Nhất tiễn xuyên thạch (Ikken Hisatsu)
Trong sự luyện tập Karatedo, ta thường hay nghe các võ sư dạy mỗi một đòn thế đánh ra phải là đòn chí tử, đòn cuối cùng nếu đánh không trúng thì phải chết. Chính vì thế, khi luyện tập mỗi đòn thế đánh ra phải cân nhắc giữa sinh và tử và sẽ không bao giờ có cơ hội may mắn thứ hai. Để đạt được trình độ này, phải luyện tập với chủ tâm là mỗi đòn thế đánh ra phải là một đòn chí tử cuối cùng. Ngày nay, người tập Karatedo rất ít còn chủ tâm đó nữa, bởi vậy ta phải tập luyện với một sự cẩn trọng nghiêm trang phát huy sức mạnh tinh thần, đạt đến sự tự chủ của thể lực và kỹ thuật đó cũng là phương thức quán chiếu thâm sâu vào bản tính của người võ sĩ Karatedo.
 
      3) Công và Thủ là một (Kobo Itchi)
Người luyện tập Karatedo khi tập nếu nghĩ rằng một thế đấm, một đòn đá là công và một thế đỡ là thủ, thì chưa nắm vững ý nghĩa sâu sắc của kỹ thuật đang tập luyện. Nên nhớ sự làm hay thực tập những kỹ thuật Karatedo quan trọng hơn là lý thuyết hóa chúng. Kobo Itchi là châm ngôn nhắc nhở chúng ta phải cố gắng thực tập hơn là lý luận hoặc suy nghĩ về đòn thế quá nhiều mà quên đi mục đích chính: hãy luyện tập không ngừng cho đến khi mỗi đòn thế tự nó trở thành công và thủ, một bản năng thứ hai.
 
      4) Tâm và Kỹ Thuật là một (Shing I Ittai)
Nếu tâm của người tập Karatedo bị dao động không tập trung được vào một việc gì hay suy nghĩ bâng quơ hoặc lo sợ, tâm không an tịnh cũng như mặt nước trong hồ sẽ phản ảnh qua phần thực tập các kỹ thuật. Tất cả những suy nghĩ xâm nhập vào tâm tạo nên một sự ngập ngừng và sự ngập ngừng này sẽ được thấy trên hai phương diện, sự phản ứng khi ta bị tấn công và ngay trong kỹ thuật phản công. Do rất quan trọng nên bạn phải thực tập làm cho tâm của mình hoàn toàn trống không và sẵn sàng phản ứng nhanh nhẹn trong mọi trường hợp, công cũng như thủ một cách tự nhiên, kỹ thuật phải được xuất phát từ trung điểm của Thân, Tâm và Ý.
 
      5) Tàng tâm (Isshin  Zanshin)
Trong tâm pháp Karatedo chúng ta thường nghe nói thuật ngữ Zanshin khi luyện tập các kỹ thuật. Zanshin là cái tâm ví như đại dương lúc nào cũng trong trạng thái di động. Isshin là tâm ví như làn sóng có mục đích và một hướng mà thôi, lôi cuốn đi tất cả những gì nó đi qua. Ý tưởng là lúc nào cũng giữ tâm được tĩnh thức, phòng bị, năng động như đại dương và để cho Isshin (làn sóng) tự hiển thị ra trong khi thực tập thi triển các kỹ thuật, và ngay sau đó trở về trạng thái Zanshin. Điều quan trọng nhất: trau dồi, đào luyện tinh thần Zanshin vì Isshin là một phần ẩn trong Zanshin.
 
      6) Mắt và Tâm phải cùng thấy (Kan Ken Futatsu No Kokoro)
Ken là mắt thấy bề ngoài của sự vật - thấy sự vật nhờ ánh sáng phản chiếu vào vật đó. Kanlà tâm thấy xuyên qua bề ngoài của sự vật và nhận thức được tự tánh của sự vật đó. Trong võ đường, khi luyện song đấu, chúng ta đều nhìn thấy được đối thủ và thấy những gì đối thủ làm. Tuy nhiên, trong tâm pháp Karatedo, sự luyện tập có thể giúp chúng ta thấy xa hơn nữa những gì đôi mắt có thể thấy một cách bình thường hiển nhiên. Với sự tập luyện nghiêm túc đúng phương pháp, các bạn có thể nhìn thấu ý định của đối thủ (Mezuke) và trong nhiều trường hợp chúng ta phải có một phản ứng phản công kịp thời trước khi đòn tấn công của họ tung ra. 
 
       7) Bình tâm (Heijo Shin)
Người tập luyện Karatedo phải luyện tập một cái Tâm bình thản, một tinh thần lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống dù là đang lo công việc hằng ngày hay đang luyện tập trong võ đường. Bất cứ trong mọi nghịch cảnh, nếu tâm của ta lúc nào cũng trống không, không lo sợ, bối rối, ta có thể phản ứng tức thì và tự nhiên trong mọi tình huống. Nếu không, khi gặp nghịch cảnh hay trong một trận đấu, tâm của ta không được thanh tịnh phải bỏ ra một thời gian ngắn để làm cho tâm trống không, thời gian phụ trội đó là sự khác biệt giữa sinh và tử. Trong Karatedo và các môn võ khác của Nhật Bản, tiến trình tập luyện được chia làm ba giai đoạn. Đó là Shu: tuân theo truyền thống và phương pháp tập luyện, Ha: thay đổi phương pháp tập luyện hay cách giảng dạy cho phù hợp với trình độ và kinh nghiệm và Ri: vượt qua truyền thống. Khi một môn sinh Karatedo được chấp nhận, họ phải tuân theo sự giảng huấn của các võ sư và không được sửa đổi kỹ thuật hay phương pháp tập luyện. Họ phải khổ luyện các bước căn bản đòi hỏi phải có một kỹ thuật chính xác, cao độ về thể xác và tinh thần. Thời gian này, Shu có thể kéo dài từ hai đến năm năm tùy theo trình độ và khả năng của mỗi môn sinh. Một khi đã qua giai đoạn Shu, các chiêu thức và lý thuyết căn bản được nắm vững, chúng ta phải có một sự thay đổi, có nghĩa là các chiêu thức kỹ thuật phải được thích hợp theo cơ thể của từng người. Tùy theo cơ thể và thể lực của mỗi người như cao, thấp, nặng, nhẹ mà mỗi chúng ta phải tự điều chỉnh phương thức tập luyện cho chính mình, phải có phong cách trình diễn quyền, cách thức tung đòn riêng, v.v… Thời gian của giai đoạn Ha có thể kéo dài từ năm đến mười năm hoặc lâu hơn nữa. Giai đoạn cuối Ri được xem như giai đoạn trác tuyệt người võ sĩ đã đạt tới sự hiểu biết đúng đắn, rõ ràng, cặn kẽ các kỹ thuật và triết lý của Không Thủ Đạo. Trong khi hai giai đoạn Shu, Ha đa phần sau một thời gian dài khổ luyện sẽ đạt tới. Giai đoạn Ri thường chỉ có các danh sư Không Thủ Đạo thật sự hiến dâng cả đời mình cho Võ đạo mới đạt được mục đích.
 
Nhãn pháp Karatedo:
Cái nhìn của bạn phải bao trùm như cái nhìn của người họa sĩ: Từ tổng thể đến chi tiết và từ chi tiết đến tổng thể. Đây là cái nhìn hai mặt “Nhận thức” và “Thấy”. Nhận thức (awareness) biết một cách bao quát và rõ ràng bằng tánh giác hay thấy bằng tri giác không thông qua giác quan. Thấy (sight) là xác định sự hiện diện của hiện tượng và phải thông qua giác quan. Điều quan trọng là bạn xem những vật ở xa cũng như ở gần và những vật ở gần bạn như đứng xa mà nhìn chúng. Phải thấy cho được một góc độ lớn mà không cần phải liếc mắt. Trong đôi mắt bạn khi nhìn đối thủ thị trường không gian của mắt phải là hình quạt xếp1800. Một điều quan trọng nữa là bạn phải có cái nhìn xuyên suốt như Samurai huyền thoại Miyamoto Musashi: “Khi đứng trước đối thủ có cái nhìn bình thản như không có bạn trước mặt, như nhìn xuyên thấu qua bạn, tốt hơn hết bạn hãy buông gươm”. Tập luyện cái nhìn này trong sinh hoạt hằng ngày một cách kiên trì dù cho chuyện gì xảy ra.
 
Chiến pháp Karatedo:
Trong nghệ thuật quân sự, bắn súng, đua thuyền, đua ngựa, thi đấu võ thuật… thời gian, tiết điệu và chiến thuật là cực kỳ quan trọng, nó lượng định thời gian để giải quyết mâu thuẫn và hòa hợp giữa sự vật và hiện tượng. Theo Miyamoto Musashi: “Khi bạn đã đạt tới chiến pháp thì không còn một cái gì mà bạn không hiểu và bạn sẽ nhìn thấy Đạo trong tất cả sự việc.”
Trong Karatedo cũng vậy, vận động viên phải tinh thông chiến pháp. Muốn chiến thắng đối thủ, bạn đừng bận tâm với những động tác phản ứng mà phải bình tĩnh, tự chủ trong mọi tình huống và có óc sáng tạo, lượng định chính xác, cảm nhận được sự nhanh chậm, xa gần, lớn nhỏ trong không gian và thời gian nhất định. Đặc biệt, bạn cảm nhận được các hiện tượng dù là nhỏ nhất. Hành vi của bạn phải có sức thuyết phục, cảm hóa được đối phương. Các cao thủ tiền bối Karatedo thường nhắc nhở học trò:
         - Nhận thức được mọi hiện tượng không thể nhìn thấy.
         - Mắt không rời mục tiêu, chú ý cả những động tĩnh nhỏ nhất nhưng không căng thẳng. Có tầm nhìn bao quát từ tổng thể (Holistic) đến chi tiết và từ chi tiết đến tổng thể. Thị trường không gian của mắt hình quạt xếp180.
        - Không huê dạng nhưng luôn có đòn hư, không thực hiện động tác thừa nhưng phản kích liên hoàn.
        - Không lặp lại một thế đánh quá hai lần trong một trận đấu.
        - Nên thay đổi chiến thuật khi thì như liễu, khi thì như sóng biển, khi thì như Thái sơn. Nếu đối thủ đoán ra, bạn hãy làm ngược lại.
        - Khi đối phương đến quá gần bạn hãy thận trọng ra tay chính xác vào thời điểm quyết định.
        - Căn cứ khoảng cách để có thời điểm ra đòn, không quá sớm hoặc quá muộn mà phải đúng lúc.
Một cao thủ Karatedo cũng như một nghệ sĩ chân chính luôn đi trước thời đại hay một doanh nhân tài năng biết nắm bắt thời cơ. Bằng đòn thế thần tốc đầy dũng khí nhưng tâm trí họ luôn ung dung, tự tại và không ngừng sáng tạo. Họ quán tưởng được điều đó do đúc kết kinh nghiệm khổ luyện qua nhiều năm tháng mà có. Lúc này mọi chướng ngại vật được xem là ảo ảnh, chỉ có sự tập trung vào đối phương vì mục đích của mình qua hành động với sự tinh thông chiến pháp. Sau đây, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn ba chiến pháp căn bản của Karatedo:
 
      1. Sen No Sen (Trước của Trước): Khi mà khoảng cách thích hợp cho đối phương tấn công, tinh thần bạn phải thật bình thản chủ động tấn công chớp nhoáng trước khi đối phương động thủ. Bạn sử dụng chiến thuật triệt quyền của Karate (ra tay tấn công trước). Nghĩa là tấn công khi nhận thức đối thủ có ý định tấn công. Bên cạnh đó, bạn có thể ra động tác giả (hư chiêu) như đang tấn công rồi bất ngờ chủ động ra tay trước. Bạn tấn công với sự dũng mãnh, áp đảo quyết liệt làm cho tinh thần đối phương hoảng loạn. Thái độ của bạn là áp đảo liên tục từ đầu đến cuối. Đó chính là sức mạnh tinh thần “Sen No Sen”.
 
      2. Go No Sen (Sau của Trước): Khi đối phương chớm động bạn sử dụng chiến thuật phòng thủcủa Karate. Nghĩa là phản ứng trước sự tấn công của đối phương (chặn đòn rồi phản đòn). Tuy nhiên, bạn phải phản đòn tức khắc ngay sau khi đối phương tấn công và phản đòn trước khi đối phương có thời gian để phát động một đòn tấn công khác. Chủ trương của tinh thần này là đánh khi đối phương vừa chớm động tức là “Go No Sen”Bạn phải nhắm vào những yếu huyệt để tấn công quyết liệt tầm cao của đối phương như: vùng huyệt Bách Hội, Thái Dương, mắt, mũi, tai, miệng, cằm, Yết Hầu, gáy. Tầm trung như: xương đòn gánh, khí quản, Chấn Thủy, sườn, thận, cổ tay, nách, xương sống, lưng trên. Tầm thấp như: Đan Điền, háng, ống quyển, nhượng gối, cơ hai đầu đùi, gân gót chân, v.v… Bạn nên cố gắng giáp sát với đối phương để đánh đòn quyết định bằng tất cả tinh thần và sức mạnh của toàn thân. Chủ trương của tinh thần này là đánh khi đối phương vừa chớm động tức là “Go No Sen”         
           
     3. Go No Go (Sau của Sau): Bạn phải phản công ngay khi đối phương đã tấn công, nhắm yếu huyệt mà đánh. Nếu đối phương điềm tĩnh, bạn phải quan sát mọi cử động của họ. Sau đó, bạn uyển chuyển thân pháp nương theo cử động của đối phương và tung đòn thật dũng mãnh, cú đánh với tất cả sự tập trung tinh thần và sức mạnh làm cho đối phương trở nên hốt hoảng. Đó là tinh thần của đòn trả đòn “Go No Go”.
Tất cả các chiến pháp của Karatedo thông thường do từ trải nghiệm trực tiếp của người luyện tập mà có. Tuy nhiên, trong ba chiến pháp trên, bạn phải nhận định tình huống để chiếm lợi thế. Tùy theo hoàn cảnh mà ra tay phù hợp với đường lối chiến pháp của bạn. Để phá tan mọi kế hoạch, vô hiệu hoá mọi chiến thuật của đối phương, bạn phải chủ động điều khiển được đối phương, hấp dẫn họ theo ý chỉ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nắm phần thắng hãy ra tay trước. Vì vậy bạn phải tập luyện thuần thục để đạt được trình độ này. Trong chiến pháp “Trước của Trước”, bạn cần phải khổ luyện để trở thành phản xạ như một ánh chớp vì sự thành công cũng chỉ trôi qua như một Sác na (Kshana) mà sự khổ luyện phải sau nhiều năm tháng.
 
Trong Karatedo, nền móng xây dựng sự thành công cho mọi ước mơ cao đẹp đều bắt nguồn từ những hiểu biết đúng đắn về Karatedo, kinh nghiệm trận mạc và thực hành thuần thục những đòn thế căn bản nhất. Khi bạn đã thông thạo các thế tấn, bước chuyển động và kỹ thuật căn bản, bạn còn phải thấu hiểu tinh thần thượng võ, lễ tiết, võ lý, biến đổi kỹ năng, chiến pháp với nguồn sáng tạo vô tận. Bạn không nên mặc định cho bản thân mà phải có kế hoạch và biết nắm bắt thời cơ. Chiến pháp của Karatedo cũng tương tự với hoạt động của các nhà chính trị, các doanh nhân, những người hoạt động Maketing và giới văn học nghệ thuật. Họ phải luôn ứng dụng thực hành và sáng tạo vì lý thuyết thiếu thực tiễn thì không thể nào thành công được. Sự cọ xác tiếp cận, hành động sẽ mang lại cho bạn kiến thức tinh thông. Nếu không hành động, người ta chỉ thu lại những ảo ảnh về sự tinh thông của mình và không bao giờ có sự thành công mà không trải nghiệm vị đắng của thất bại.
 
Maai (khoảng cách chiến đấu):
           Maai luôn luôn được hiểu như là khoảng cách chiến đấu mà nó chứa đựng hơn là khoảng cách vật lý giữa hai đối thủ (cự li chuẩn). Tình trạng chiến đấu của tâm trí và trí tuệ là tất cả những quan hệ tinh tế với Maai, không phải dễ hiểu được và cũng khó mô tả. Có thể nói rằng nếu hiểu rõ và nắm vững Maai thì chúng có thể sáng tạo ra một không gian phong phú để thực hiện các kỹ năng. Tuy nhiên, để diễn  tả một cách đơn giản, chúng ta nên hiểu rằng nếu người phòng thủ hay người tấn công muốn thực hiện một lối đánh mà không cần phải dùng chân để di chuyển, thì Maaicó thể giúp họ một cách hiệu quả nhất. Người tấn công nếu hiểu rõ và nắm vững Maai thì có thể đánh người phòng thủ chỉ cần di chuyển nửa bước về phía trước mà thôi. Ngược lại, người phòng thủ có thể rút khỏi tầm tấn công của đối thủ cũng chỉ cần bước lui nửa bước. Trong thực chiến, chắc chắn khoảng cách của hai đối thủ phải luôn luôn dao động khi trận đấu diễn ra. Cả hai người tấn công lẫn phòng thủ phải nhận thức được những kỹ thuật mà đối thủ đang sử dụng. Bằng sự hiểu biết của chính mình qua quá trình học tập, bạn nên điều chỉnh khoảng cách cho phù hợp.
 
Zanshin (ý thức phòng thủ):
Zanshin nghĩa là đang tồn tại trong tâm trí, một từ ngữ sử dụng để nói lên một điều quan trọng trong nghệ thuật chiến đấu. Một từ ngữ mà ý nghĩa của nó có thể hiểu trong nhiều lĩnh vực ví dụ như trong quan điểm về tấn công hay trong tự vệ... Chúng ta có thể nói nó luôn luôn là những phương tiện để nhận thức, đó là ý thức phòng thủ. Giữ gìn một phẩm chất tâm trí trong sáng và trầm tĩnh. Định tâm để có thể ý thức được sự nguy hiểm từ mọi phía, thậm chí là từ sau lưng. Để có được một nhận thức như thế (Zanshin) trong mọi lúc mọi khi, bạn cần phải nỗ lực rèn luyện, đặc biệt là khi đang giao đấu với đồng môn trong võ đường hoặc đang tranh giải với một đối thủ. Phương pháp để đạt được Zanshin là phải có cái nhìn tổng thể thậm chí nhìn vào mắt của đối phương, nhưng vẫn quan sát toàn bộ thân thể động tĩnh của họ và bạn phải để tâm trí thật sự trống rỗng. Không cần phải chú ý vào một đòn chặn hay một quả đấm mà đúng hơn là phải để cho kỹ thuật đến một cách tự nhiên. Giữ gìn Zanshin khi đang chào và sau khi chào.
 
Kumite (đối kháng):
Sau kỹ thuật căn bản, Trường phái Suzucho Karatedo rất coi trọng đối kháng, sau đó là các bài quyền, v.v... Nó đòi hỏi người tập phải năng động sáng tạo trong đấu pháp, phát huy hết sở trường chỉ hạn chế vài ba đòn gây nguy hiểm không được dùng. Bước đầu võ sinh tập luyện thuần thục đối luyện cơ bản gồm: Đối kháng năm bước (Gohon Kihon Kumite), ba bước (Sambon Kihon Kumite) và một bước (Ippon Kihon Kumite). Sau đó, họ tập đối luyện loại bán quy ước một bước tự do (Jiyu Ippon Kumite) và đối kháng tự do (Jiyu Kumite). Trong đó, đối kháng tự do (Jiyu Kumite) là quan trọng nhất. Loại đối kháng này cho phép bạn tấn công một phạm vi rộng lớn, không hạn chế tấn công vào đầu, hạ bàn, có thể sử dụng chỏ, gối và quật đối thủ… nhưng phải giữ độ an toàn khi tham gia tập luyện. Đối kháng tự do của Trường phái Suzucho Karatedo rất phong phú, nếu luyện tập thành phản xạ tự nhiên, kỹ chiến pháp thuần thục bạn sẽ thấy nó là tinh hoa của quyền và Bunkai. Có thể nói Kumite là phương pháp kết hợp giữa thực chiến và kỹ thuật làm cho kỹ thuật phơi mở những giá trị đang tiềm ẩn trong đó.
 
Kata (bài quyền):
Bài quyền không thể hiện sự sắp xếp máy móc các kỹ thuật của Karate mà là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Tuy nhiên, nó không phải là một điệu múa, mà được gắn liền với các giá trị và nguyên tắc mang tính truyền thống. Mỗi chuyển động có thể hiểu như là một kỹ thuật căn bản riêng biệt được áp dụng trong bài quyền phản ánh một trận đấu với nhiều đối thủ vô hình. Bài quyền là phương pháp tập hợp những kỹ thuật căn bản mẫu mực nhất với động tác liên hoàn, khoa học được cách điệu hoá để biểu đạt như một ngôn ngữ vừa mang tính thẩm mỹ vừa ứng dụng thực hành. Ngoài ra, nó luôn ngầm chứa bên trong thông điệp của người sáng tác. Người trình diễn bài quyền phải thể hiện được tính chiến đấu cũng như sự tập trung cao độ, sức mạnh và khả năng đích thực của đòn. Bên cạnh đó, đòn còn phải có lực, trình diễn có nhịp điệu, sự thăng bằng cũng như có phong cách riêng. Bạn có thể tự luyện một cách thấu đáo các kỹ thuật, động tác của bài quyền, thổi hồn vào các động tác đó với trạng thái nhập thân. Hiểu cho được ý nghĩa và tư tưởng chủ đạo của bài quyền bạn mới thấy sự dẻo dai kỳ diệu và vẻ đẹp của cơ thể con người. Một bài quyền của Trường phái Suzucho Karatedo nếu muốn trình diễn tốt bạn có thể mất thời gian luyện tập khoảng ba năm. Quyền của Trường phái Suzucho Karatedo được xem là đỉnh cao của nghệ thuật Không Thủ Đạo Viễn Đông. Nó được ứng dụng (Bunkai) rất khoa học và có đặc điểm giống như nội dung Jiyu Kumite.
 
Tư thế Kanku:
Các trường phái Karate cổ truyền chứa đựng rất nhiều yếu tố căn bản của Karate, đó là tư thế chào đón vạn vật. Kan (Kansatsu) nghĩa là quan sát nhìn chằm chằm và Ku có nghĩa là vũ trụ, khoảng không, hay trống rỗng nên gọi là tư thế Kanku. Động tác đầu tiên của quyền này là hình thành một khoảng không tam giác bằng hai bàn tay từ từ đưa lên cao quá đầu. Qua khoảng không này người tập sẽ nhìn chằm chằm lên khoảng không vũ trụ và mặt trời đang mọc trong vài giây. Điều này chỉ đơn giản nghĩa là “Một ngày mới và vũ trụ đang đợi chờ”, tức là không có cái gì quan trọng có thể ảnh hưởng lên nền tảng của những hiện tượng đang hiện hữu trong thực tế. Khi bạn nhìn lên hình tam giác được hội tụ bởi hai bàn tay mình, thế giới bao la xuất hiện và hội tụ trong tâm trí. Bạn sẽ hiểu rằng tất cả những gì hiện hữu đều không quan trọng đối với khoảng không vũ trụ kia, để từ đó định tâm và sẵn sàng để chiến đấu. Đây là thái độ tinh thần của Zanshin, nó phải được khẳng định trong nghệ thuật chiến đấu cũng như “Cái tôi” của các nghệ sĩ chân chính trong lao động sáng tạo. Tình trạng tâm trí này có khả năng làm cho bạn chiến thắng. Không có kỹ thuật nào có thể làm cho đối thủ phải khiếp sợ và bị tổn thất cho bằng sức mạnh tinh thần.
 
PHAN CHI
 
 

Bài viết khác