SƠ LƯỢC VỀ NGUỐN GỐC CỦA KARATE
SƠ LƯỢC VỀ NGUỐN GỐC CỦA KARATE
Cho đến nay, các tài liệu nghiên cứu nguồn gốc chính xác của Karate vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan điểm truyền thống, đa phần được các chuyên gia võ thuật thế giới đều thừa nhận: Karate được ra đời tại Ấn Độ gắn liền với đạo Thiền đó là Thiền tông (Chán zòng, Ti’an, Dhyana, Zen hoặc Hayayoga). Thiền khởi nguyên từ một phương pháp tu trí của các tông phái triết học Á Đông thời thượng cổ. Nó được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni Buddha) - Người khai sáng ra Phật giáo sử dụng như một phương cách quán nội, tư duy đặc biệt để đạt tới chân lý.
Từ buổi bình minh, khi con người còn săn bắt hái lượm cũng đã biết võ thuật chiến đấu để sinh tồn nên sau này, thông thường các nhà tu hành đều biết võ nghệ để tự vệ trước sự tấn công của thú dữ và kẻ cướp. Thái tử Tất Đạt Đa (Gautama Sidartha) cũng từng là chiến binh xuất sắc trước khi trở thành Đức Phật. Khi sáng lập Phật giáo, ông cũng nhận thấy rằng không hề có sự mâu thuẫn nào khi một người hiền lành và giàu lòng vị tha cũng rất giỏi trong chiến đấu. Có rất nhiều giả thuyết nói về nguồn gốc của Karate, trong đó có nhiều huyền thoại hoang đường nhưng giả thuyết về Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là có sức thuyết phục hơn cả. Giả thuyết này cho rằng nguyên thủy của Karate là những kỹ thuật chiến đấu bằng tay không do người Ấn Độ sáng tạo ra từ trước Công nguyên. Giới võ lâm Trung Quốc cũng thừa nhận võ thuật của mình khởi nguyên từ Ấn Độ - cái nôi của những võ phái cổ nhất tương truyền nó đã có lịch sử rất lâu đời hàng vạn năm như môn võ Kalaripayattu, Vajra Muskti, Varma Kalai, v.v…
Theo các nhà nghiên cứu võ thuật thế giới,vào đầu thế kỷ thứ VI, năm 520 (sau Công nguyên) vị tổ thứ 28 của Phật giáo tên là Daruma tức Bồ Đề Đạt Ma (pháp danh Bodhidharma) ( 菩提達摩 ), đã chu du năm miền trong sáu mươi năm ở Ấn Độ để truyền đạo Thiền Phật giáo. Sau khi trở về cung giáo hóa hoàng tộc một thời gian, ông xuống thuyền đi Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma đã phải mất ba năm trên thuyền mới cập bến Quảng Châu đến Trung Quốc vào đời nhà Lương năm Thiên Giám thứ tư để truyền bá đạo Thiền Phật giáo. Sau khi hội kiến, vua Võ Đế không hiểu được diệu đạo, Bồ Đề Đạt Ma rời nhà Lương vượt dòng Trường giang (bằng phương pháp đề khí khinh thân trên một cọng cỏ lau) vân du lên miền Giang Bắc. Ông đã dừng lại dạy thiền và võ thuật tại chùa Thiếu Lâm (Shaolin szu) tiếng Nhật là Shorin ji - một ngôi chùa ở Tỉnh Hà Nam (Henan), Trung Quốc (chùa này được xây dựng năm thứ 20 nhà Bắc Ngụy năm 497 trong dãy Tung Sơn, mặt đối với núi Thiếu Thất, lưng tựa Ngũ Nhũ Phong). Từ đó, nó có tên gọi là Shorin Kempo (võ Thiếu Lâm). Các nghệ thuật chiến đấu Trung Quốc đã được ghi chép lại từ 3000 năm trước Công nguyên khởi phát từ Bồ Đề Đạt Ma - Người sáng lập môn phái Kempo Trung Quốc. Ông đã tinh tuyển, hòa trộn với võ bản địa, bổ sung thêm các bài tập luyện ý, khí công và thiền khiến cho môn này trở nên phong phú hơn. Lúc bấy giờ, ông nhận thấy rằng người dân ở đây vì không đủ nhận thức, khó nắm bắt ngay được triết lý phức tạp của Phật giáo Ấn Độ nên đã nghĩ cách truyền giáo cho họ dễ hiểu và tự nhiên hơn. Những bài tập về trí não được thể hiện trong các buổi tập về đạo Thiền đối với những người nông dân là quá khó. Họ chán chường vì rằng trí não vẫn luôn luôn để ở đâu đó. Vì vậy, Bồ Đề Đạt Ma bằng trực giác của mình ông nhận ra muốn đưa được ánh sáng đạo Thiền vào họ thì tốt hơn hết là dạy họ cách học những bài tập sử dụng cơ bắp. Đối với những người nông dân, họ có phản ứng với cơ thể nhưng lại không đối chọi với đầu óc của mình. Bồ Đề Đạt Ma đã đưa ra một loạt động tác di chuyển và được thực hành gần như hoàn hảo bên cạnh một bài tập thở (Hô hấp Đan Điền) để giữ gìn sức khỏe và giúp đệ tử vượt qua trở ngại, khó khăn khi đi truyền đạo. Sau đó, ông kết hợp giữa hai môn võ thuật truyền thống dân gian của Ấn Độ và Trung Quốc để tổ chức một buổi biểu diễn đã mang lại nhiều điều sáng tỏ. Một lần nọ, ông đạt được điều này và tự biết bên trong của sự mở mang sáng tỏ này là gì. Bồ Đề Đạt Ma đã có thể áp dụng và thực hành cảm nghĩ này vào cuộc sống hằng ngày của mình. Thậm chí bài tập này đã được đánh dấu rất lớn vào việc mang lại nhiều điều mở mang sáng tỏ cho người tập đạo Thiền. Nó trở thành nền tảng Chuan fa (có nghĩa là bàn tay nắm để chiến đấu và mở để chữa bệnh). Người Trung Quốc gọi là Quyền Pháp cũng có nghĩa là Con đường đầu tiên hay Kung fu (thành tựu của con người), người Nhật Bản gọi là Kempo có nghĩa là luật của nắm tay. Bài tập này còn được gọi là môn võ tự vệ tay không (Karate), bởi vì những chuyển động bằng tay không của nó có vẻ như đơn giản và vô nghĩa. Ngày nay, phần lớn những người đề xướng Karate sau đó không còn quan tâm đến nó nữa. Nhưng may mắn nền tảng Chuan fa được một số ít võ sư Trung Quốc hiểu tầm quan trọng của những bài tập này. Tuy nhiên, thời gian qua đi Thiền và Karate trở nên ít liên kết với nhau vì những người tu hành đạo Phật cho rằng họ không cần phải bảo vệ, mọi người đều chấp nhận họ như là những người linh thiêng. Từ đó, việc tập luyện Karate dần dần không được coi trọng dù nó có một mối quan hệ rất mật thiết gắn bó với đạo của họ. Một số ít võ sư đã truyền bài tập này cho môn sinh của họ và chỉ nói những bài tập này là nền tảng của Karate. Họ tin tưởng học trò của mình sau khi trải nghiệm sẽ hiểu sự quan trọng của nó ngay trong bản thân của người tập mà không cần phải hỏi tại sao. Tuy nhiên, những nguyên tắc này đã thất bại khi đưa bài tập vào theo phương pháp được cho là hoàn thiện. Thực ra Karate được thể hiện qua trí óc nhưng vẫn chưa hoàn toàn nếu không duy trì tốt, sẽ không thể đạt được sự vô thức này bằng suy nghĩ. Cơ thể của bạn có thể dự đoán được tất cả trong số sức mạnh của nó ở một đòn đấm, cú đá hay một sự tấn công bất ngờ là một trong số những nguyên tắc chính tạo nên hiệu quả của Karate. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ không kết quả nếu trí óc không hề nghĩ đến những dự đoán này. Trong Karate và trong cuộc sống: Linh hồn và thể xác không thể tách rời nhau, bởi vì chúng khó mà cưỡng lại được với những đòi hỏi của cơ thể và có mối liên quan mật thiết giữa cơ thể và trí óc. Các bài tập mà Bồ Đề Đạt Ma đã sáng tác ra tại Trung Quốc không chỉ là nền tảng của Karate mà cho gần như tất cả các môn võ nghệ thuật ngày nay. Nó được dự định như là phương pháp chiến đấu nhưng có thể đạt được giác ngộ. Như vậy, Thủy tổ của môn võ Karatedo là Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó, những kỹ thuật này được các võ tăng qua nhiều thế hệ ở chùa Thiếu Lâm hoàn thiện trở thành Thiếu Lâm Quyền Pháp - gốc của môn võ Thiếu Lâm ngày nay. Để tăng thêm phần huyền bí, các thế hệ tiếp nối trong đó có các Đạo gia, nhà văn viết truyện võ hiệp ở Trung Quốc đã hư cấu (fiction), tiểu thuyết hóa.
Cũng có giả thuyết cho rằng môn võ cổ này phổ biến mạnh dưới thời nhà Minh (1368-1649) ở Trung Quốc nhưng rồi bị đàn áp dưới thời nhà Thanh (1644-1912) vì được một tổ chức bí mật sử dụng trong phong trào phế Thanh phục Minh. Sau sự kiện Càn Long thứ 28 tức năm 1763 hỏa thiêu Thiếu Lâm tự, chỉ còn năm cao đồ xuất sắc của Nam Thiếu Lâm sống sót đó là Chí Thiện Thiền Sư, Ngũ Mai Lão Ni, Bạch Mi Đạo Nhân, Phùng Đạo Đức và Miêu Hiển. Các kỹ thuật Thiếu Lâm cổ theo chân các nhà sư chạy trốn truyền ra khắp nơi và chia thành nhiều nhánh nhỏ rồi đến đảo Okinawa ở cực Nam Nhật Bản khi bang giao giữa hai nước còn rất thắm thiết. Điều này có thể chứng tỏ võ Thiếu Lâm cổ đã được truyền đến đảo Okinawa và ở mỗi tỉnh lại có những biến dị nhỏ nhưng được gọi chung là Okinawa - Te (Xung Thằng Thủ), trong đó Tecó nghĩa là cánh tay.Trong thực tế, những bước đầu tiên của Shorin Kempo đều do công lao của các nhà sư qua nhiều năm khổ luyện và nghiên cứu. Cuối cùng, bằng những kiến thức về y học, họ đã khám phá ra các huyệt đạo trọng yếu trên cơ thể con người, không những dùng để chữa bệnh mà có thể dùng làm mục tiêu cho các đòn đánh Kempo đạt hiệu quả cao nhất. Như vậy từ Ấn Độ sang Trung Quốc, Kempo được truyền bá lên phía Bắc đến Mông Cổ sang phía Đông đến Hàn Quốc và phía Đông Nam đến đảo Okinawa. Sau đó, nó được truyền sang Nhật Bản và trở nên vô cùng nổi tiếng sau kỷ nguyên Kamakura (khoảng năm 1200 sau Công nguyên). Các chiến binh Samurai đã tiếp nhận môn võ này một cách đặc biệt cả dưới hình thức các đòn thế chiến đấu cũng như triết lý thiền của nó.
Nguồn gốc và quá trình phát triển của Karate hiện nay được rất nhiều người nghiên cứu cho rằng căn bản nó xuất phát từ Ấn Độ do nhà sư Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) năm 520 sau Công nguyên đã truyền bá đạo Phật mang vào Trung Quốc đến Okinawa, Nhật Bản và ra Thế giới.
Tuy không phải là môn võ thuật truyền thống gốc gác từ Nhật Bản nhưng Karatedo là một con đường - một môn nghệ thuật mà người Nhật đã tâm huyết đem nó áp dụng vào cuộc sống xã hội để giáo dục đạo đức, vun trồng nhân cách, đào tạo con người từ lớp mầm non. Đó là những đức tính tự tin, tự giác, quả cảm, trọng danh dự, đức nhân từ, tính lễ độ, đức chính trực công bằng, nghĩa trung thành, lòng thành thật, sự tự chế, tinh thần trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng và văn hóa ứng xử. Họ tự hào nếu như những người Samurai chết đi sẽ như những cánh hoa Anh đào nở trên đỉnh núi Phú Sĩ với màu hoa trắng tinh khiết, như chiếc áo trắng (Gi) của họ sẽ là ánh sáng tỏa xuống làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Hơn nữa, trong cuộc sống, họ tin rằng Karatedo giúp con người - một “Tiểu vũ trụ” tự điều chỉnh mình hài hòa với thiên nhiên. Tâm niệm của người tập Karatedo luôn hoá giải, ứng xử hài hòa để tâm, trí được an định, bớt tham dục phù hợp với tinh thần hiện đại sống chung hòa bình để cùng phát triển. Ngoài ra, điều này cũng có nghĩa là phải biết tiêu diệt ngay từ trong trứng dục vọng Tham lam, Sân hận, Si mê (Tham - Sân - Si), là nguồn gốc của mâu thuẫn. Do vị trí địa lý và tinh thần độc lập, người Nhật biết sử dụng vào mỗi thời đại những mô hình của nước ngoài, mà không phá vỡ bản sắc riêng: một ý thức về thiên nhiên không bao giờ suy thoái, một thị hiếu mộc mạc không bao giờ giảm sút, một sự khéo léo ngày càng tinh tế. Sự lựa chọn các ảnh hưởng nước ngoài bổ sung cho sự chọn lọc tự nhiên do hoàn cảnh khí hậu, thực vật và địa lý tạo nên, khác với lục địa ít bị lôi cuốn. Ví dụ những kiến trúc đồ sộ của Phật giáo cho ta thấy: ngôi đền Shinto luôn giữ được cái duyên trầm mặc, dáng vẻ mộc mạc của mái rơm và bố cục (Composition) độc đáo của chiếc mái vỏ cây màu sắc hài hòa (Harmonie de couleur) với thiên nhiên không giống kiểu thức trang trí của Trung Quốc. Tuy tinh thần của các ngôi đền, chùa Phật giáo đôi khi có ảnh hưởng nhưng vẫn không gây tổn hại đến truyền thống. Tính bảo thủ Nhật Bản đã giải thích tính tương đối đơn điệu về kiểu dáng kiến trúc trong thời gian cũng như trong phân bố về địa lý. Nhưng ở đây không hề có sự bảo thủ về văn hóa, người Nhật luôn tôn trọng văn hóa nước ngoài, họ làm theo một cách tự do mà không hề có mặc cảm tự ti. Ngày trước xã hội Nhật Bản có ba tầng lớp chính: quý tộc, võ sĩ và nông dân, thợ thủ công. Quý tộc thì nghiêng về hình thức, nghi lễ, tầng lớp thị dân thì thích những cái gì loè loẹt, hình thức bên ngoài. Tầng lớp võ sĩ thì chuộng sự đơn giản nhưng sâu lắng do ảnh hưởng của thiền, họ đã tìm thấy cái đẹp trong sự đơn giản tinh khiết. Giới quý tộc, giới võ sĩ và người nông dân đã xác định bằng những thị hiếu chung, đó là tính độc đáo trong rung cảm. Chính tinh thần thượng võ của giới võ sĩ đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân Nhật Bản, nhờ vậy mà nước Nhật điêu tàn sau chiến tranh trở nên một nước hùng mạnh. Chúng ta cần ghi nhận rằng các nghệ thuật kiến trúc chùa chiền, kịch Noh, thơ Haiku, tranh Thủy mặc, các môn võ Karatedo, Judo, Aikido hoặc Thư pháp thiền (Hitsuzendo), Bonsai, vườn đá (Kare Sansui)… là những sáng tạo độc đáo của tài năng Nhật Bản. Các loại hình nghệ thuật này ít nhiều đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của giá trị thẩm mỹ thiền do các Trà sư, Thiền sư đem lại nên mang những yếu tố thẩm mỹ thiền sâu sắc. Sự vận hành của những thiết chế, cũng như Phật giáo trong thời kỳ lịch sử đầu tiên của Nhật Bản đều được du nhập tiếp nhận từ những vay mượn. Tuy nhiên, nó được mổ xẻ, cải biên sáng tạo và cuối cùng là “Nhật Bản hóa” theo những công thức riêng, độc đáo mang bản sắc dân tộc. Mỗi giai đoạn ảnh hưởng, như ở thời Lục triều thế kỷ VI, thời Đường thế kỷ VII, thời Tống thế kỷ XII và Tây phương thế kỷ XIX, đã tác động như một chất men để làm hồi sinh trí tưởng tượng sáng tạo của người Nhật.
PHAN CHI