Tin tức
- Bài viết
- Thông báo
- Kết quả thi lên đai
- BCH Hệ phái
- Hội đồng truyền đai
- Lịch Thi
- Karate và những bài thuốc dân gian
Tổ sư Choji Suzuki dưới mắt Thời báo
NGƯỜI CHƯỞNG MÔN LƯU LẠC
Kỳ thực, một Karate-Do phải có tâm lặng như mặt hồ thu và sáng như trăng rằm. cuộc đời của Choji Suzuki tỏ rõ cái “đạo” đó.
Trong tay Lý Tiểu Long hai khúc đoản côn màu đen, nối liền bằng một đoãn xích sắt ngắn, múa lên gió rít vù vù, phát ra thâu lại thật dễ dàng điêu luyện. Đây là loại võ khí lạ lùng đối với chúng ta, nhưng chẳng bao lâu, trẻ con cũng đã bắt đầu sử dụng một món đồ chơi bằng nhựa tương tợ.
Trên các hè phố, lũ nhóc múa loạn lên gõ cả vào đầu côm cốp. Nhưng ít người biết loại vũ khí đó tên gì và thuộc môn phái nào. Võ khí đó mang tên Nunchaku (côn ly tâm) của môn phát Karate-Do xuất phát từ đảo Okinawa.
Trước năm 1963, Karate chưa xuất hiện tại Việt Nam, mà chỉ được giới thiệu với một vài đòn cận chiến như vũ bão trong các phim điệp viên Oss, 117, hoặc là hình ảnh hoang dã của hai võ sỹ Karate (hồi đó Karate chưa được phổ biết tại Nhật) xuống núi tranh hùng với Nhu đạo và Nhu thuật trong phim Judo Saga (đoạt 3 giài Oscar). Trong thời gian này và cho đến nay, nhiều người vẫn chưa phân biệt được Karate (Nhật) và Taekwondo (Đại hàn) mà chỉ gọi là Thái cực đạo của Nhật và Thái cực đạo của Hàn quốc. Vì nhìn quan, chúng ta thấy hai môn phái gần giống nhau, nhưng thật ra nền tảng khác biệt nhau.
Chiết tự kara có nghĩa là “ không”, Te “tay”, Do “đạo” Karate-Do nghĩa là Không Thủ Đạo
CÁNH TAY CỦA NGƯỜI OKINAWA.
Lịch sủ Nhật bản đã tạo ra môn phái này. Vào năm 1300, tại đảo Okinawa, các Lánh chúa sợ dân chúng nổi dậy chống lại mình, nên cấm dân sử dụng vũ khí. Để khánh lịnh trên, người dân Okinawa đã tự luyện cho tay chân mình thành những vũ khí hiệu quả và không kém phần nguy hiểm, nên hồi đó Karate được gọi là Okinawa-Te “ cánh tay của người Okinawa”.
Nếu chúng ta cho rằng: “Vạn đạo nhất lý”, thì một ngành võ thuật cũng do một nguồn gốc, một vị Tổ sư: Đạt Ma sư tổ. Bàn về nguồn gốc Karate, các vị võ sư đều công nhận Karate được biến thể từ các võ phái Trung Hoa.
Người có công phát triển và truyền bá Karate trên khắp nước Nhật là võ sư Funakoshi G chin, một giáo sư Đại học tại Okinawa, ông là một thiên tài trong lĩnh vực võ thuật. Năm 1948, Tổng Cuộc Không Thủ Đạo Nhật Bản (Nihon Karate Kyo Kai) được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông gồm 06 hệ phái lớn.
Karate đã vượt ra khỏi xứ Phù Tang, đầu tiên lớn mạnh tại Pháp. Sau đó, trong thời gian đóng quân trên đất Nhật, một số quân nhân Hoa kỳ đã học được môn võ này. Một vài hệ phái lớn ở Nhật, nhận thấy phong trào Karate tại Hoa Kỳ đang lên, các Chưởng môn hoặc đích thân, hoặc phái các đại môn đồ qua mở võ đường để truyền bá sâu rộng.
Việc truyền bá và phát triển Karate ra hải ngoại không phải lúc nào, hoặc bất cứ địa phương nào cũng nhiệt liệt đón nhận. Ở Thái lan, các môn phái bản xứ đã chống đối mãnh liệt sự du nhập này, để cuối cùng đi đến những trận thư hùng đẫm máu.
Tuy là karate (Không thủ), nhưng không phải môn phái này chỉ chuyên về Tewaza (thủ pháp) là những đòn thế sử dụng bằng tay không. Với Oyama, đòn Shuto (thủ đao) sấm sét, chém gãy sừng bò rừng có đường kính 10cm. Đòn Teiken (Honken) ngàn cân đấm chết bò rừng. hoặc với một :người mèo”, vị cha già khả kính Yamaguchi, đòn Yubi Nukite (chỉ pháp) của ông đâm thủng một tấm bìa treo trên hai sợi chỉ, không kém gì chỉ pháp của họ Đoàn, Ashiwaza (cước pháp) của Karate cũng rất phong phú và linh diệu. Nhận sứ mạng đặc biệt của Nhật hoàng qua Trung Hoa (thời Trung Nhật chiến tranh), sau khi bị bắt cầm tù, người Trung Hoa âm mưu thủ tiêu ông bằng một con hổ đã bỏ đói 3 ngày. Như một Võ Tòng của Thủy Hử, bước vào chuồng hổ, Yamaguchi chế ngự ngay con vật bằng một tiếng thét Kiai, tiếp theo là một ngọn cước thần tốc, con vật bị đánh ngã, cuối cùng giãy giụa và tắt thở dưới bàn tay như gọng kìm thép của ông, trước đôi mắt kinh hoàng của chúa ngục.
Quan niệm của Karate là cước pháp và thủ pháp đều phải được luyện tập và xử dụng thuần thục như nhau, chứ không chuyên luyện về đòn tay hoặc đòn chân như một vài môn phái khác.
Binh khí của Karate ít người biết đến. chỉ một vài loại đặc biệt như: Tambojitsu (đoản côn), loại côn ly tâm (Nunchaku), Sai là loại vũ khí đúc bằng kim loại, giống như cây chỉa ba, hai nhánh hai bên cong và ngắn, nhánh ở giữa dài, tròn nhọn đầu như loại kiếm pháp, chuyên gài và đoạt binh khí của đối phương. Tomfa là một thanh gỗ hình chữ T (dùng làm tay quay cối xay) rất đơn giản. Kusarigama, kỹ thuật đánh dây xích và cao hơn cả là Shuriken kỹ thuật ném ám khí.
Nói chung, binh khí của Karate ngắn, gọn, rất đơn giản, dễ cất giấu và mang theo trong người. Nunchaku và ám khí khó luyện tập hơn hết, sử dụng như Lý tiểu Long trong các phim là chỉ ở trình độ trung cấp, múa nhanh và phát đòn chuẩn đích. Bậc cao thủ, khi sử dụng hai đoản côn và đoạn xích giữ trong tư thế bất động thẳng bang như một ngọn trường côn.
Nhìn một Karate-Ka (người tập Karate) dùng đầu , quyền, thủ đao công phá gạch đá, hoặc cách không đấm, chém tắt ngọn nến đang cháy, phần đông quan niệm Karatre là môn phái thuần cương, chuyên về ngạnh công. Quan niệm như vậy thật sai lầm, Karate cương nhu hòa hợp, đó là điểm làm cho Karate trở nên linh động và phù hợp với cơ thể chúng ta, khỏe mạnh hay ốm yếu, mỗi chúng ta đều có thể trở nên một Karate hữu hạng, nếu được chỉ dẫn kỳ cùng các nguyên lý phối hợp cương nhu của môn phái này.
Thật vậy, Yamaguchi được mệnh danh la “người mèo” với thế tấn Neko Ashi dachi (Miêu lập tấn), mềm dẻo và linh động. Hoặc Matsomura và đệ tử là Hohansoken, lừng danh với tấn Hakutsuru dachi (Hạc tấn). Hai thầy trò vị võ sư này đứng trên hai tấm ván thả trên mặt hồ để giao đấu với nhau. Có khác gì công phu “Thủy thượng phiêu” của người xưa.
Hơn nữa với các nguyên lý “dùng nhu chề cương”, “dùng tĩnh chế động”, “mượn lực đoạt lực” hoặc “ 4 lạng đả ngàn cân”…..cho ta thấy rằng, một Karate-Ka khi giao đấu, không bắt buộc phải ở vào thế tiến chứ không lùi, hoặc mỗi khi xuất thủ là “trúc chẻ ngói tan”.
MỘT DANH SƯ ẨN DẬT.
Trước năm 1963, các võ đường Nhu đạo Miền trung, thỉnh thoảng được tiếp đón một người Nhật, râu bó cằm, nét mặt phong trần, ghé lại chơi đấu giao hữu với các vị võ sư, hoặc dừng chân tại một tỉnh nào đó, thâu nhận một vài môn đồ dạy Nhu đạo, rồi lại cất bước giang hồ, hành lý chỉ là một bộ võ phục bạc màu. Người ta chỉ biết ông là một võ sư nhu đạo, các võ sư Nhu đạo Việt Nam và Pháp hồi đó đêu khen ngợi tài nghệ của ông.
Tại Việt Nam, khoảng năm 1963 trở về trước, Karate chưa được biết đến, và lúc bấy giờ cũng không ai biết vị võ sư Nhật đó là Chưởng môn của môn phái Suzucho Karate-Do, là người đầu tiên truyền bá Karate chính tông tại Việt Nam.
Suzuki là một dòng họ lớn và nổi tiếng tại Nhật, Choji Suzuki, tên của vị võ sư, sinh tại Miyagiken Nhật Bản, là con trưởng trong một gia đình gia thế.
Năm 13 tuổi, ông được thân phụ gửi đến thọ giáo với võ sư Sigi Moto Tadao. Thời bấy giờ khắp nước Nhật có lệnh cấm dậy võ. Sư phụ ông ngụ trong một ngôi chùa trên núi, ngày hoặc đêm, ông phải dùng ngựa lén lút lên núi luyện tập với một chương trình rất khắc khổ.
Những kỷ niệm thủa đầu mới nhập môn mà ông vẫn thường kể lại cho những môn đố của ông sau này al2 sự thử thách trong 03 tháng đầu. Trong suốt 03 tháng, từ ngày nhập môn ông chỉ được ngồi trước 01 cái đĩa có bôi chất ngọt, cho ruồi bay lượn xung quanh, rồi tập cho đôi mắt và hai bàn tay nhanh lẹ, vung tay ra chụp những con ruồi đang bay trước mặt. Cho đến khi mỗi cái vung ra là chụp được một hoặc hai con, lúc đó mới bắt đầu học những đòn thế sơ khởi. Của Karate. Đã có nhiều môn đồ thiếu kiên nhẫn trong giai đoạn này, không được thâu nhận vào môn phái.
Ba năm sau, ông được gửi đến thụ giáo với võ sư Asano Zenkisti, sư phụ của Sigimoto Võ sư Asano là Chưởng môn của phái Koke’ Ryu, một hệ phái xưa nhất của Karate. Suốt 8 năm trời ép mình trong khuôn khổ tập luyện. những buổi sáng tinh sương, chạy từ chân núi, men theo sườn núi khúc khửu, lên đến ngôi chùa của sư phụ nằm chênh vênh trên đỉnh núi, để luyện tập cước pháp và bộ pháp. Những ngày mùa đông, với bộ võ phục mong manh, ngồi thiền hoặc luyện nội công trên những mỏm đá phủ tuyết trắng ngần cho thân thể chịu đựng trước những cơn gió lạnh như dao cắt.
Sư phụ Asano là người có mối thân tình với thân phụ ông, nên ông được chân truyền của cổ phái này. Sau này, trong những lúc cao hứng, ông biểu diễn cho các môn đồ lớn của ông một vài chiêu thức thật hiếm thấy.
Đến năm 21 tuổi, ông nhập ngũ chinh chiến khăp vùng Đông Nam Á. Ngày ông xuống núi, Lịch Đạo Sơn, sư đệ của ông, sau này là một tay đô vật khét tiếng thế giới. Khi Nhật đầu hang, ông ở luôn tại Việt Nam, ông là một võ sư có chân tài, một con người đa năng, đa diện.
Ngôi chùa ngày xưa, nơi ông ngày ngày luyện tập, có lẽ là một hình ảnh thân yêu, mang nhiều kỷ niệm, nên khi thành lập võ đường Suzucho Karate-Do đầu tiên ở Huế, phù hiệu của môn phái gồm những đường nét phảng phất một ngôi chùa cổ kính từ xứ Phù Tang. Và ngay cái tên của võ đường “Suzucho” có nghĩa là: “Một chỗ”, “Một nơi” hoặc “Một quê hương yêu dấu” nào đó.
Hẳn trong quãng đường lưu lạc giang hồ, một đôi khi tâm hồn người võ sĩ đạo cũng mềm đi trước niềm cảm khái: “ Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn săng sáng, cúi đầu nhớ cố hương)
KARATE CHÍNH TRUYỀN
Sau khi quyết định lưu tại Việt Nam, ông song phiêu bạt giang hồ một thời gian và chỉ dạy Nhu đạo. Cho đến khoảng đầu năm 1963, ông chọn lưa và thu nhận năm bảy môn đồ đầu tiên để truyền thụ Karate. Trong thời gian này, việc dạy dỗ rất hạn chế, ông muốn đào tạo lớp đầu tiên một số môn đồ chọn lọc, để sau này sẽ thay ông mớ rộng môn phái.
Sau ngày cách mạng 01/02/1963, ông mới thực sự mở võ đường ko6ng Thủ Đạo và thu nhận thêm nhiều môn đồ tại Huế.
Suzucho Karate-Do là một võ đường nhỏ, ấm cúng, nằm dưới chân cầu Đông Ba Huế. Ngày cấp huyền đai đầu tiên cho môn đồ Trưởng tràng, giáo sư Nguyễn Nhuận (viện đại học Huế) ông đã trao lại cho người này bộ võ phục và sợi thắt lưng bạc màu mà ông đã mang theo mười mấy năm nay. Phải chăng, đó là hình thức truyền lại Y bát cho người ái đồ tài đức này.
Năm 1973, côn Nguyễn Thị Minh Tâm, sinh viên Việt Nam du học, đã đoạt chức Hoa hậu thế giới tại Hoa kỳ với môn nhiệm ý đặc biệt: Tay không công phá gạch, do giáo sư Ngô Đồng (viện Đại học Huế) truyền thụ. Giáo sư Ngô Đồng cũng là một trong những môn đồ của ông.
Trong khóa đặc biệt đầu tiên, ông đã huấn luyện được nhiều môn đồ cao cấp. Vì cuộc sống, những môn đồ đã rời võ đường đi khắp bốn phương, nhưng với tôn chỉ và sở nguyện của thầy, họ đã thay mặt ông mở rộng môn phái, bằng cách mở võ đường để trực tiếp truyền thụ, như võ đường Minh Đạo của Võ sư Nguyễn Nhuận (Vĩ Dạ), Võ đường Cương Nhu Karate của Giáo sư Ngô Đồng (viện Đại học Huế) hai võ đường lớn của Nguyễn Xuân Dũng (Trần Hưng Đạo Sài gòn) và võ đường Chính Đức của Võ Đại Vạn (Bạch Đằng Gia Định). Ngoài ra còn các võ đường khác rải rác khắp nơi, hoặc gián tiếp góp phần vào nền võ thuật Karate bằng những tác phẩm như: “Linh Hồn Không Thủ Đạo” của Nguyễn Xuân Dũng (Sài Gòn), “Bài Quyền Karate” của họa sỹ tài danh Hạ Quốc Huy (người đạt liên tiếp 03 năm về giải hội họa của Tổng thống VNCH, và năm 1974 có một bức họa được mua nhiều triệu USD giá cao nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó).
Những người này đều là những cao đồ, là những cánh - tay - nối - dài của ông trên bước đường quảng bá một hệ phái võ thuật chính truyền.
Năm 1973, không hiểu vì tuổi cao, hay vì muốn nghỉ ngơi một thời gian, ông giao lại võ đường ở Huế cho một môn đồ, Bác sỹ Trần Đình Tùng, ông vào Sài Gòn và chỉ làm cố vấn cho các võ đường của môn đồ.
CUỘC HẸN NỬA ĐÊM
……Có một người lạ mặt đưa đến cho ông một bức thư khiêu chiến vắn tắt nêu đích tên ông……….
Mời xem tiếp kỳ tới
Tin tức khác
- KHAI GIẢNG KHÓA VÕ THUẬT SUZUCHO KARATE-DO TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN II(16/10/24)
- Bài viết của Võ sư Rokudan Vũ Thanh Dần(19/06/18)
- HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG VÀ THI LÊN ĐAI 10/06/2018(18/06/18)
- Hình ảnh kỳ thi lên Đai Phân đường Vĩnh Cửu(23/04/18)
- TẶNG CẢ VẦNG TRĂNG(20/04/18)
- CẢM NHẬN CHUYẾN ĐI VỀ NGUỒN(07/04/18)