TƯỞNG NIỆM CỐ TỔ MẪU REIKO SUZUKI (NGUYỄN THỊ MINH LỆ)
(15 -1-1920  –  30 - 8 - 2013)
 
Kính thưa qúy bà con, qúy huynh đệ,
Kính thưa toàn thể qúy vị,
Thưa quý vị, hôm nay trong không khí mang đượm nỗi buồn, chúng ta có mặt tại đây: Đạo đường Sakura để tưởng niệm một người con ưu tú của vùng đất Bình Định, người vợ hiền, người bạn đời đã góp công góp sức cho sự nghiệp võ học của Tổ sư Choji Suzuki, người Cô mẫu mực yêu quý của các môn sinh Trường phái Suzucho Karatedo - Tổ mẫu Reiko Suzuki (Nguyễn Thị Minh Lệ), Pháp danh Diệu Lạc đã vĩnh viễn đi xa, hồi 5 giờ 15 chiều ngày 30 tháng 8 năm 2013 tại Las Vegas, Hoa Kỳ (nhằm ngày 24 tháng 7 năm Qúy Tỵ), hưởng thọ 93 tuổi để lại trong lòng tất cả chúng ta một sự mất mát to lớn, một nỗi niềm thương tiếc vô hạn.
Trước khi bắt đầu lễ tưởng niệm, chúng tôi xin được phép trình bày sơ lược tiểu sử của cố Sư mẫu.
Cô Nguyễn Thị Minh Lệ sinh ngày 15-1-1920 (Canh Thân) là con thứ 5 trong số 10 người con của một gia đình nổi tiếng những năm đầu thế kỷ 20 của xứ dừa Tam Quan, Bình Định. Cô Lệ đẹp nổi tiếng với mái tóc phi dê và thường dạo đường quê trong những bộ áo đầm cực kỳ sang trọng từ tuổi xuân thì. Tính Cô thích tham gia làm việc thiện nguyện, giúp người là giúp mình, thích những phong trào xã hội của quê hương như dạy bình dân học vụ, các phong trào của phụ nữ, thanh niên.
Vào khoảng những năm 1949, vùng Chợ Chùa tỉnh Quảng Ngãi có một xưởng sản xuất dụng cụ y tế phục vụ cho Mặt trận Liên khu V. Xưởng trưởng là một đại úy trẻ người Nhật mang tên Việt, đó là Tổ sư Choji Suzuki (Phan Văn Phúc). (Năm 1945, Nhật đầu hàng, kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai ông ở lại Việt Nam tham gia Mặt trận Việt Minh và công tác ở Liên khu 4 (Thanh Hoá). Sau đó, năm 1949 ông chuyển vào Liên khu 5 (Quảng Ngãi) phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ y tế tại vùng Chợ Chùa cung cấp cho Mặt trận và dạy những bài võ Karate đầu tiên cho du kích, tự vệ).  Từ xưởng sản xuất ở Chợ Chùa, Cô Lệ nhận lời kết tóc xe duyên với Thầy Choji Suzuki. Từ mối tình Việt - Nhật nồng ấm này, họ có ba người con là: Phan Thị Ngọc Mỹ (Michiko Suzuki), Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki), và Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki). Sau Hiệp định Geneve 1954, đến tháng 11 năm 1959 Thầy Cô cùng gia đình chọn Thành phố Huế cổ kính làm nơi sinh sống và phát triển võ học. Năm 1960, Thầy thành lập Đạo đường Suzucho Karatedo Ryu Suzuki Dojo Noen tại số 8 - Võ Tánh (hiện nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Huế để dạy Karatedo và Judo, khai sinh Trường phái Suzucho Karatedo. Mặc dù vậy, đến năm 1963 Đạo đường (võ đường) mới chính thức hoạt động.
Cô Lệ giúp chồng mở lò dạy võ, từ việc điều hành quản lý đến việc tổ chức may võ phục tạo việc làm cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống đều được chu toàn. Lò võ của vợ chồng cô Lệ chính là cái nôi của làng Karatedo Việt Nam . Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Cô. Khi xa chồng, thương nhớ chồng, mỗi người phụ nữ có một cách để bày tỏ. Cô Lệ không những giúp chồng giúp sẻ chia niềm đam mê tâm huyết của chồng bằng con đường Võ đạo, lo toan trọn vẹn võ đường ở Huế mà còn lo toan đời sống cho chồng rất tâm lý và đảm đang. Từ khi võ sư Choji Suzuki qua đời năm 1995, ngoài những chuyến quay về thăm quê hương Việt Nam, Sư mẫu còn thường xuyên đến một số nước khác như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, Ý, Áo, v.v… là những nơi mà môn đồ đã mở được Đạo đường lớn, để động viên khuyến khích chăm lo sự phát triển của hệ phái. Vì thế, sự nghiệp của võ sư Choji Suzuki và Trường phái Suzucho Karatedo phát triển lớn mạnh được như ngày nay có vai trò rất quan trọng của vị Sư mẫu tôn kính này.
Hôm 30 tháng 8 năm 2013 vừa qua, một nỗi buồn đau mất mát to lớn cho huynh đệ thầy trò chúng ta và đại gia đình của Chưởng môn Đời thứ 2 Tokuo Suzuki với niềm thương tiếc vô hạn.  Hỡi ôi! vẫn biết rằng sống là gửi thác là về, sinh - tử là quy luật của tạo hóa nhưng trong lòng mỗi chúng ta vẫn không thể nào kìm nén được nước mắt của nỗi đau lòng khi nghĩ về Cô trước giờ đi xa. Tưởng chừng như chỉ mới hôm qua, Tổ mẫu vẫn còn ở bên chúng ta, vẫn cùng đồng hành, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với từng cao đồ, môn sinh. Nhìn lại chặng đường Sư mẫu đã đi qua, làm sao chúng ta có thể quên được hình ảnh một người Cô giản dị, đã cùng Thầy sẵn sàng đồng cam cộng khổ, trọn nghĩa vẹn tình đóng góp lớn lao cho Trường phái Suzucho Karatedo. Một người Cô nghiêm khắc mà bao dung, đầy ắp yêu thương, hết mình với các môn sinh. Vậy mà giờ đây, Tổ mẫu đã vĩnh biệt chúng ta, ra đi trong bình yên, thanh thản không vướng víu Sắc - Không, không một nỗi đau thể xác, hay một dằn vặt tinh thần, việc nhà - việc Trường phái đã hai vai chu toàn, dẫn dắt đạo lý cuộc đời cho các thế hệ tiếp nối ! 
Hôm nay, học trò Thầy Cô xưa và nay xin được thắp nén hương lòng cầu nguyện vào hư không để tiễn Cô về miền an lạc, nguyện xin được tiếp nối những ước mơ Cô hằng ấp ủ trên chặng đường phát triển Trường phái trong tương lai.
Chúng tôi xin kính mời tất cả quý vị dành một phút mặc niệm tiễn đưa Sư mẫu về cõi vĩnh hằng như một lời tri ân.
Xin thành tâm chia buồn cùng tang quyến của Chưởng môn Đời thứ 2 Tokuo Suzuki.
                                                               Đại diện nhóm học trò của Thầy Cô
Ngô Văn Thanh, Hoàng Như Bôn, Nguyễn Đình Kỉnh, Phan Chi 

Bài viết khác