Bài viết
Tiếng hét Kiai
Từ xưa đến nay, các môn phái võ thuật thường có điểm tương đồng là dùng tiếng thét phát ra với thời gian ngắn nhất mà cường độ âm thanh và tần số dao động cao nhất để cướp tinh thần đối phương. Người đạt trình độ cao khi vận khí lực từ đan điền mà thét thì những người gần bị chói tai thủng màn nhĩ … Với những người chưa đủ khả năng làm chấn thương kẻ thù bằng tiếng thét thì tiếng thét lúc tung đòn có tác dụng hỗ trợ cho đòn thế rất nhiều. Người Trung Hoa gọi môn nội công đó là “Nội công tâm pháp thượng thừa”, còn người Nhật Bản gọi đó tiếng thét “Kiai”.
Chuyện kể rằng, năm 1939 Gogen Yamaguchi – môn đồ của Đại sư Chojun Myagi – người sáng lập môn phái Goju Ryu tại Nhật Bản, bị người Mãn Châu bắt giam và quăng vào chuồng cho cọp xé xác. Với một tiếng gầm kinh dị, ông lao thẳng vào ác thú, kèm theo một cú đá vào mũi, tung đòn cùi chỏ vào ngang tai, và phóng lên lưng con ác thú vòng tay xiếc cổ. Những người chứng kiến thấy rõ toàn thân ông co rút lại khi xiết cổ con thú với một tiếng hét giữ dội. Dư âm tiếng thét vừa dứt thì con cọp cũng tắt thở.
Hoặc như thiếu tá Patrick Dwyer, viên sĩ quan khá giỏi Quyền Anh, đã từng ấn chứng võ thuật với võ sư Ichi Watanabé trong thời gian ở Nhật Bản. Ông dùng Quyền Anh tấn công võ sư bằng những cú đấm cực mạnh và nhanh nhẹn như trước đây đã từng hạ nhiều địch thủ. Nhưng kỳ lạ thay, trong cả ba lần tấn công ông đều thấy mình ê ẩm, hai tai nóng rát vì một tiếng thét kỳ dị mà ông chưa từng nghe.
Điều ấy ông đã được kể lại: "Tiếng thét làm cho tôi hoảng loạn, tay chân bủn rủn, mất hết khả năng chiến đấu và bị quật ngã dễ dàng". Vì vậy, trước kỳ hạn chấm dứt nhiệm vụ ở Nhật Bản, ông thỉnh cầu võ sư Ichi Watanabé biễu diễn lần cuối cùng. Sau tiếng thét sắc gọn của võ sư, 12 trong số 16 ly "sâm banh" bị vỡ đôi, vỡ ba, bốn ly còn lại khi lấy đũa tre gõ nhẹ cũng bị vỡ như những ly khác. Sự kỳ diệu này được Patrick Dwyer thuyết trình tại Đại học đường nổi tiếng (Haward – Hoa Kỳ) và đã gây nên một tiếng vang lớn. Lần theo dấu vết của lịch sử thì trước đây nước ta từng sử dụng công phu này. 12 bậc cao thủ của danh tướng Lý Thường Kiệt với trình độ nội công thượng đẳng, thay phiên vận khí đan điền mà phát ra những câu thơ bất hủ:
"Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…"
Tiếng thơ âm vang xa nhiều dặm nhưng không tổn thương quân mình (tức là sử dụng nội lực đến mức thâu phát tùy ý), mà làm cho quân địch hoang mang lo sợ …
Thời xa xưa còn có bao nhiêu tiếng hét làm khuất phục kẻ thù như chàng Hector ở thành Troie. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, các chiến sĩ Ailen đã dùng tiếng hét làm triệt thoái đoàn quân địch. Nói như thế chứ không phải tiếng thét chỉ dùng để giết người mà còn dùng để cứu người. Điều đó tùy thuộc vào sự phát khí của người hét điều chỉnh có lợi hay có hại. Để biễu diễn cho võ sư John F.Gilbey, người có ơn cứu mạng con mình, Junze Hirose – một ngươi rất tinh thông y võ cổ truyền đã tát người phụ tá của mình một cái vào mặt mạnh như búa bổ làm cho anh chàng chảy cả máu mũi, và khi tiếng thét chói tai vang lên thì máu ngừng chảy ngay. Tổ sư Bodhidharma (Bồ Đề Đạt ma) đã từng chứng kiến cảnh các môn đồ ngồi thiền dưới trời rét lạnh, gương mặt họ đỏ lừ, nhiều người nghiến chặt răng, tay bắt ấn quyết trong cử chỉ kìm chế tối đa. Nếu tình trạng ấy kéo dài, ông biết rằng các môn đồ không đủ nội lực chống lại thời tiết khắc nghiệt, có thể bị nội thương, ảnh hưởng đến tính mạng. Thế là một tiếng thét vang lên như xé không gian âm thanh dội, vang rền tận cành cây hốc đá làm tuyết đổ lá bay, 30 môn đồ giật mình xả thiền, mở mắt ra đã thấy Tổ sư đứng sừng sững trước mặt, oai nghiêm vững chãi như núi Thái Sơn. Tiếng thét tưởng như hung hãn, nhưng có mãnh lực làm máu huyết lưu thông, tăng cường nội lực … giúp các môn đồ có khả năng tiếp tục công việc của mình.
Tư liệu Choju Karate Dojo