Bài viết
CHIẾN PHÁP KARATEDO
CHIẾN PHÁP KARATEDO
Trong nghệ thuật quân sự, bắn súng, đua thuyền, đua ngựa, thi đấu võ thuật… thời gian, tiết điệu và chiến thuật là cực kỳ quan trọng, nó lượng định thời gian để giải quyết mâu thuẫn và hòa hợp giữa sự vật và hiện tượng. Theo Miyamoto Musashi: “Khi bạn đã đạt tới chiến pháp thì không còn một cái gì mà bạn không hiểu và bạn sẽ nhìn thấy Đạo trong tất cả sự việc.”
Trong Karatedo cũng vậy, vận động viên phải tinh thông chiến pháp. Muốn chiến thắng đối thủ, bạn đừng bận tâm với những động tác phản ứng mà phải bình tĩnh, tự chủ trong mọi tình huống và có óc sáng tạo, lượng định chính xác, cảm nhận được sự nhanh chậm, xa gần, lớn nhỏ trong không gian và thời gian nhất định. Đặc biệt, bạn cảm nhận được các hiện tượng dù là nhỏ nhất. Hành vi của bạn phải có sức thuyết phục, cảm hóa được đối phương. Các cao thủ tiền bối Karatedo thường nhắc nhở học trò:
- Nhận thức được mọi hiện tượng không thể nhìn thấy.
- Mắt không rời mục tiêu, chú ý cả những động tĩnh nhỏ nhất nhưng không căng thẳng. Có tầm nhìn bao quát từ tổng thể (Holistic) đến chi tiết và từ chi tiết đến tổng thể. Thị trường không gian của mắt hình quạt xếp1800 .
- Không huê dạng nhưng luôn có đòn hư, không thực hiện động tác thừa nhưng phản kích liên hoàn.
- Không lặp lại một thế đánh quá hai lần trong một trận đấu.
- Nên thay đổi chiến thuật khi thì như liễu, khi thì như sóng biển, khi thì như Thái sơn. Nếu đối thủ đoán ra, bạn hãy làm ngược lại.
- Khi đối phương đến quá gần bạn hãy thận trọng ra tay chính xác vào thời điểm quyết định.
- Căn cứ khoảng cách để có thời điểm ra đòn, không quá sớm hoặc quá muộn mà phải đúng lúc.
Một cao thủ Karatedo cũng như một nghệ sĩ chân chính luôn đi trước thời đại hay một doanh nhân tài năng biết nắm bắt thời cơ. Bằng đòn thế thần tốc đầy dũng khí nhưng tâm trí họ luôn ung dung, tự tại và không ngừng sáng tạo. Họ quán tưởng được điều đó do đúc kết kinh nghiệm khổ luyện qua nhiều năm tháng mà có. Lúc này mọi chướng ngại vật được xem là ảo ảnh, chỉ có sự tập trung vào đối phương vì mục đích của mình qua hành động với sự tinh thông chiến pháp. Sau đây, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn 3 chiến pháp căn bản của Karatedo:
1. Sen No Sen (Trước của Trước): Khi mà khoảng cách thích hợp cho đối phương tấn công, tinh thần bạn phải thật bình thản chủ động tấn công chớp nhoáng trước khi đối phương động thủ. Bạn sử dụng chiến thuật triệt quyền của Karate (ra tay tấn công trước). Nghĩa là tấn công khi nhận thức đối thủ có ý định tấn công. Bên cạnh đó, bạn có thể ra động tác giả (hư chiêu) như đang tấn công rồi bất ngờ chủ động ra tay trước. Bạn tấn công với sự dũng mãnh, áp đảo quyết liệt làm cho tinh thần đối phương hoảng loạn. Thái độ của bạn là áp đảo liên tục từ đầu đến cuối. Đó chính là sức mạnh tinh thần “Sen No Sen”.
2. Go No Sen (Sau của Trước): Khi đối phương chớm động bạn sử dụng chiến thuật phòng thủ của Karate. Nghĩa là phản ứng trước sự tấn công của đối phương (chặn đòn rồi phản đòn). Tuy nhiên, bạn phải phản đòn tức khắc ngay sau khi đối phương tấn công và phản đòn trước khi đối phương có thời gian để phát động một đòn tấn công khác. Chủ trương của tinh thần này là đánh khi đối phương vừa chớm động tức là “Go No Sen”. Bạn phải nhắm vào những yếu huyệt để tấn công quyết liệt tầm cao của đối phương như: vùng huyệt Bách Hội, Thái Dương, mắt, mũi, tai, miệng, cằm, Yết Hầu, gáy. Tầm trung như: xương đòn gánh, khí quản, Chấn Thủy, sườn, thận, cổ tay, nách, xương sống, lưng trên. Tầm thấp như: Đan Điền, háng, ống quyển, nhượng gối, cơ hai đầu đùi, gân gót chân, v.v… Bạn nên cố gắng giáp sát với đối phương để đánh đòn quyết định bằng tất cả tinh thần và sức mạnh của toàn thân. Chủ trương của tinh thần này là đánh khi đối phương vừa chớm động tức là “Go No Sen”
3.Go No Go (Sau của Sau): Bạn phải phản công ngay khi đối phương đã tấn công, nhắm yếu huyệt mà đánh. Nếu đối phương điềm tĩnh, bạn phải quan sát mọi cử động của họ. Sau đó, bạn uyển chuyển thân pháp nương theo cử động của đối phương và tung đòn thật dũng mãnh, cú đánh với tất cả sự tập trung tinh thần và sức mạnh làm cho đối phương trở nên hốt hoảng. Đó là tinh thần của đòn trả đòn “Go No Go”.
Tất cả các chiến pháp của Karatedo thông thường do từ trải nghiệm trực tiếp của người luyện tập mà có. Tuy nhiên, trong ba chiến pháp trên, bạn phải nhận định tình huống để chiếm lợi thế. Tùy theo hoàn cảnh mà ra tay phù hợp với đường lối chiến pháp của bạn. Để phá tan mọi kế hoạch, vô hiệu hoá mọi chiến thuật của đối phương, bạn phải chủ động điều khiển được đối phương, hấp dẫn họ theo ý chỉ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nắm phần thắng hãy ra tay trước. Vì vậy bạn phải tập luyện thuần thục để đạt được trình độ này. Trong chiến pháp “Trước của Trước”, bạn cần phải khổ luyện để trở thành phản xạ như một ánh chớp vì sự thành công cũng chỉ trôi qua như một Sác na (Kshana) mà sự khổ luyện phải sau nhiều năm tháng.
Trong Karatedo, nền móng xây dựng sự thành công cho mọi ước mơ cao đẹp đều bắt nguồn từ những hiểu biết đúng đắn về Karatedo, kinh nghiệm trận mạc và thực hành thuần thục những đòn thế căn bản nhất. Khi bạn đã thông thạo các thế tấn, bước chuyển động và kỹ thuật căn bản, bạn còn phải thấu hiểu tinh thần thượng võ, lễ tiết, võ lý, biến đổi kỹ năng, chiến pháp với nguồn sáng tạo vô tận. Bạn không nên mặc định cho bản thân mà phải có kế hoạch và biết nắm bắt thời cơ. Chiến pháp của Karatedo cũng tương tự với hoạt động của các nhà chính trị, các doanh nhân, những người hoạt động Maketing và giới văn học nghệ thuật. Họ phải luôn ứng dụng thực hành và sáng tạo vì lý thuyết thiếu thực tiễn thì không thể nào thành công được. Sự cọ xác tiếp cận, hành động sẽ mang lại cho bạn kiến thức tinh thông. Nếu không hành động, người ta chỉ thu lại những ảo ảnh về sự tinh thông của mình và không bao giờ có sự thành công mà không trải nghiệm vị đắng của thất bại.
Maai (khoảng cách chiến đấu):
Maai luôn luôn được hiểu như là khoảng cách chiến đấu mà nó chứa đựng hơn là khoảng cách vật lý giữa hai đối thủ (cự li chuẩn). Tình trạng chiến đấu của tâm trí và trí tuệ là tất cả những quan hệ tinh tế với Maai, không phải dễ hiểu được và cũng khó mô tả. Có thể nói rằng nếu hiểu rõ và nắm vững Maai thì chúng có thể sáng tạo ra một không gian phong phú để thực hiện các kỹ năng. Tuy nhiên, để diễn tả một cách đơn giản, chúng ta nên hiểu rằng nếu người phòng thủ hay người tấn công muốn thực hiện một lối đánh mà không cần phải dùng chân để di chuyển, thì Maai có thể giúp họ một cách hiệu quả nhất. Người tấn công nếu hiểu rõ và nắm vững Maai thì có thể đánh người phòng thủ chỉ cần di chuyển nửa bước về phía trước mà thôi. Ngược lại, người phòng thủ có thể rút khỏi tầm tấn công của đối thủ cũng chỉ cần bước lui nửa bước. Trong thực chiến, chắc chắn khoảng cách của hai đối thủ phải luôn luôn dao động khi trận đấu diễn ra. Cả hai người tấn công lẫn phòng thủ phải nhận thức được những kỹ thuật mà đối thủ đang sử dụng. Bằng sự hiểu biết của chính mình qua quá trình học tập, bạn nên điều chỉnh khoảng cách cho phù hợp.
Zanshin (ý thức phòng thủ):
Zanshin nghĩa là đang tồn tại trong tâm trí, một từ ngữ sử dụng để nói lên một điều quan trọng trong nghệ thuật chiến đấu. Một từ ngữ mà ý nghĩa của nó có thể hiểu trong nhiều lĩnh vực ví dụ như trong quan điểm về tấn công hay trong tự vệ... Chúng ta có thể nói nó luôn luôn là những phương tiện để nhận thức, đó là ý thức phòng thủ. Giữ gìn một phẩm chất tâm trí trong sáng và trầm tĩnh. Định tâm để có thể ý thức được sự nguy hiểm từ mọi phía, thậm chí là từ sau lưng. Để có được một nhận thức như thế (Zanshin) trong mọi lúc mọi khi, bạn cần phải nỗ lực rèn luyện, đặc biệt là khi đang giao đấu với đồng môn trong võ đường hoặc đang tranh giải với một đối thủ. Phương pháp để đạt được Zanshin là phải có cái nhìn tổng thể thậm chí nhìn vào mắt của đối phương, nhưng vẫn quan sát toàn bộ thân thể động tĩnh của họ và bạn phải để tâm trí thật sự trống rỗng. Không cần phải chú ý vào một đòn chặn hay một quả đấm mà đúng hơn là phải để cho kỹ thuật đến một cách tự nhiên. Giữ gìn Zanshin khi đang chào và sau khi chào.
Nhãn pháp Karatedo:
Cái nhìn của bạn phải bao trùm như cái nhìn của người họa sĩ: Từ tổng thể đến chi tiết và từ chi tiết đến tổng thể. Đây là cái nhìn hai mặt “Nhận thức” và “Thấy”. Nhận thức (awareness) biết một cách bao quát và rõ ràng bằng tánh giác hay thấy bằng tri giác không thông qua giác quan. Thấy (sight) là xác định sự hiện diện của hiện tượng và phải thông qua giác quan. Điều quan trọng là bạn xem những vật ở xa cũng như ở gần và những vật ở gần bạn như đứng xa mà nhìn chúng. Phải thấy cho được một góc độ lớn mà không cần phải liếc mắt. Trong đôi mắt bạn khi nhìn đối thủ thị trường không gian của mắt phải là hình quạt xếp1800. Một điều quan trọng nữa là bạn phải có cái nhìn xuyên suốt như Samurai huyền thoại Miyamoto Musashi: “Khi đứng trước đối thủ có cái nhìn bình thản như không có bạn trước mặt, như nhìn xuyên thấu qua bạn, tốt hơn hết bạn hãy buông gươm”. Tập luyện cái nhìn này trong sinh hoạt hằng ngày một cách kiên trì dù cho chuyện gì xảy ra.
Tư thế Kanku:
Các trường phái Karate cổ truyền chứa đựng rất nhiều yếu tố căn bản của Karate, đó là tư thế chào đón vạn vật. Kan (Kansatsu) nghĩa là quan sát nhìn chằm chằm và Ku có nghĩa là vũ trụ, khoảng không, hay trống rỗng nên gọi là tư thế Kanku. Động tác đầu tiên của quyền này là hình thành một khoảng không tam giác bằng hai bàn tay từ từ đưa lên cao quá đầu. Qua khoảng không này người tập sẽ nhìn chằm chằm lên khoảng không vũ trụ và mặt trời đang mọc trong vài giây. Điều này chỉ đơn giản nghĩa là “Một ngày mới và vũ trụ đang đợi chờ ”, tức là không có cái gì quan trọng có thể ảnh hưởng lên nền tảng của những hiện tượng đang hiện hữu trong thực tế. Khi bạn nhìn lên hình tam giác được hội tụ bởi hai bàn tay mình, thế giới bao la xuất hiện và hội tụ trong tâm trí. Bạn sẽ hiểu rằng tất cả những gì hiện hữu đều không quan trọng đối với khoảng không vũ trụ kia, để từ đó định tâm và sẵn sàng để chiến đấu. Đây là thái độ tinh thần của Zanshin, nó phải được khẳng định trong nghệ thuật chiến đấu cũng như đối với cái tôi của các nghệ sĩ chân chính trong lao động sáng tạo. Tình trạng tâm trí này có khả năng làm cho bạn chiến thắng. Không có kỹ thuật nào có thể làm cho đối thủ phải khiếp sợ và bị tổn thất bằng sức mạnh tinh thần.
Võ sư Phan Chi (Huế)