Giải nghĩa: 

 

TRỰC: 

Trực tức là chính trực, đối với môn đồ của đạo đường cần: 

1. Có tấm lòng chính trực: nói cách khác là một tấm lòng không bị phân tâm bởi những yếu tố như Iợi ích, tình cảm, kiến thức hay định kiến, đó là một tấm lòng đón nhận mọi vật như chúng vốn có. Người khi bị phân tâm thường không nhìn mọi vật đúng như bản chất của chúng. Nó giống như khi chúng ta nhìn sự vật qua một ống kính màu hay biến dạng. Ngược lại, một tấm lòng chính trực cần nhìn nhận mọi vật đúng như bản chất của chúng, trắng là trắng, đen ra đen, đường thẳng là đường thẳng. Nhờ đó ta biết được chân tướng và bản chất của sự vật. Khi chúng ta nhìn nhận và thực hiện mọi việc với một tâm thế như vậy, chúng ta có thể giảm thiểu sai lầm trong mọi trường hợp.
2. Biết bảo vệ lẽ phải, có chính kiến: Trong con người có đủ tình cảm yêu ghét và vô vàn ham muốn. Những thứ đó đã định hình sẵn trong mỗi con người nên việc tận diệt chúng là bất khả. Và lại, nếu mất đi những thứ đó thì con người không còn là con người nữa. Vì vậy, dễ bị dao động bởi tình cảm cá nhân hay vụ lợi cũng là một trong những bản chất của con người. Đặc biệt trong thời đại này, học thuật và tri thức ngày một tiến bộ, có nhiều kiểu chủ nghĩa và tư tưởng ra đời khiến người ta phân tâm. Bởi vậy, không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì là chuyện nói thì dễ mà làm lại vô cùng khó. Nhưng chính vì khó nên mới đáng quý, mới cần phải nuôi dưỡng và đắp bồi. Bởi vậy, người biết nuôi dưỡng và bồi đắp lòng chính trực là người biết bảo vệ cái mà mình cho là phải đời, phải đạo, không bị phân tâm bởi những làn sóng tâm lý, bởi sự lôi kéo, trù dập hay dễ bị ảnh hưởng tư tưởng khác. Người chính trực cần biết nêu chính kiến và đấu tranh vì lẽ phải, biết bảo vệ quan điểm và theo đuổi đến cùng vì lẽ phải. 
3. Biết lắng nghe và tập hợp: Người chính trực biết tuân theo quy luật tự nhiên của trời đất, vậy việc lắng nghe ý kiến của mọi người, tập hợp được trí tuệ tập thể và làm những điều cần làm. Luôn cho rằng mình đúng, mình giỏi hơn người thì không thể tiếp thu ý kiến của người khác. Không tập hợp được trí tuệ tập thể. Cách này thường dẫn đến thất bại.

 

ĐẠO: 

Đạo đối với các môn đồ thuộc đạo đường Choju không chỉ là “Võ sĩ đạo”, mà cần có “Tư trí đạo”. 

Với tinh thần võ sĩ đạo, môn đồ Suzucho Karatedo cần tôn trọng các nguyên tắc: 
1.Trung thành, hy sinh, tín nghĩa; 

2. Lễ nghi, liêm sỉ; 

3. Chất phác, giản dị, tiết kiệm; 

4. Thượng võ, danh dự và nhân ái. 

Tuy vậy, tư tưởng và trí thức của mỗi môn đồ có thể khác nhau bởi môi trường sống, trình độ học thức, tôn giáo và nhận thức. Vì vậy cũng cần phải có “Tư trí đạo”. Được hiểu như sự minh bạch trong quan điểm sống, sự đúng đắn trong đối nhân xử thế phù hợp với qui luật tất yếu của đạo đức xã hội hiện thời. 

Theo đó: 
1. Lòng trung thành với kiến thức võ thuật được truyền đạt không có nghĩa là mất đi sự sáng tạo, mà cần phát tiềm năng trí tuệ để đào sâu nghiên cứu phát triển hệ phái; trung với người, với thầy không có nghĩa phải cứng ngắc tuân thủ, sự tuân theo không suy xét, mà cần bày tỏ tấm lòng thiện hữu, góp ý, tham mưu để cùng hoàn thiện những giá trị khác của “Trực – Đạo – Hạnh”. 
Lòng trung còn phải cần biết ghi nhớ công ơn nguồn gốc sư thầy, tổ tiên cha mẹ, hiếu thuận với người thân, giữ gìn tín nghĩa trong hành xử người và việc. Đồng thời không để mất đi lòng nhiệt huyết, trung thành với lẽ sống – tư cách đã hình thành đúng đắn, có như vậy thì sự hy sinh mới không uổng phí. 
2. Môn đồ cần phải luôn tuân thủ các phong tục đặc thù của văn hoá người Việt và những lễ nghi yêu cầu từ đạo đường bao gồm tác phong ăn mặc, xưng hô, đẳng trật, phù hiệu, … và có trách nhiệm tham dự các sự kiện lễ nghi theo qui định của đạo đường. Để có tác phong chuẩn mực - liêm sỉ, môn đồ cần nghiêm khắc với bản thân, chuẩn mực trong lời nói và hành vi, cảnh giác thói hư, lánh xa tật xấu, giữ mình trong sạch. 
3. Sống chất phác, giản dị, tiết kiệm không đồng nghĩa là sống khác biệt và không tiêu dùng. Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mà môn đồ có những điều kiện sống khác nhau. Vậy giá trị cuộc sống sẽ cao hơn khi mà: không phù phiếm, không kiếm tiền bằng mọi giá, trọng danh dự hơn vật chất, biết chọn lọc tiêu dùng, không lãng phí. Nguyên tắc này không làm cho môn đồ thấp hèn mà còn nâng cao giá trị phẩm chất con người. 
4. Tinh thần thượng võ, danh dự, nhân ái: nhân từ với người dưới, khoan dung với đối thủ, chính trực công bằng. Là người tập võ để hoàn thiện hai phương diện thiết yếu về tinh thần lẫn thể chất, môn đồ không được phép dùng võ để tấn công hay gây tổn hại đến sức khoẻ con người; không được nhân danh võ môn để khoe khoang và tư ý, tư lợi cá nhân. 

 

HẠNH:

Hạnh chính là “nết tốt”, cách ăn ở tốt, phải đời, phải đạo. Đối với môn đồ cần thiết: 

1. Biết gìn giữ giá trị của “trực” và “đạo” mà mình đã dày công tâm niệm, rèn luyện: Thực vậy, khi mà những quan điểm, tư tưởng, hành vi đã định hình một cách đúng đắn, đã có “đẳng”, thì việc thiếu kiểm soát, thiếu chú ý, thiếu xót, sống buông thả sẽ dẫn đến mất đi giá trị con người mình, sống uổng, sống phí và được gọi là “bất hạnh”. Chính vì vậy, hạnh ở đây chính là cái “nết” cần phải luôn chú ý gìn giữ, luôn cảnh giác với chính mình. 
2. Biết kiểm soát hành vi: Môn đồ cũng cần phải xem xét lại lời ăn tiếng nói và hành động của mình để từng bước nuôi dưỡng và bồi đắp lòng chính trực, giữ đạo, bảo vệ tư tưởng và giữ nết tốt. Đạo của võ cũng như võ thuật, cũng có khởi đầu là nhất đẳng, nếu võ thuật cần rèn luyện thì võ đạo ta cần tâm niệm. Thường xuyên tâm niệm những điều tốt, cảnh giác với chính mình, càng ngày càng bước lên cảnh giới cao hơn, nói cách khác là nâng cao được “nhân sinh quan”, tức là ngày càng được nhiều người đánh giá tốt và tôn trọng thì đó là đã lên đẳng. 

3. Hạnh ở đây cũng chính là giá trị đạo đức của môn đồ: Nếu xưa có quan niệm về tứ đức “ công – dung – ngôn – hạnh” đối với nữ và “ hiếu – đễ - trung – tín “ với đàn ông, thì ngày nay, mặc dù không quá khắt khe, nhưng các môn đồ luôn tâm niệm thì sẽ phát triển tư cách đạo đức tốt hơn. Vậy những đức tính cao quí đó không lỗi thời, quan trọng là biết định nghĩa và tâm niệm trong đối nhân xử thế, môn đồ sẽ thành công. 
4. Hạnh ở đây cũng cần thiết được xem như sự hạnh phúc, là kết quả của sự rèn luyện hành vi đối xử. Không những thế, môn đồ cũng cần tâm niệm đó là qui luật nhân – quả, đó là phước đức. Vậy cần biết kính trọng người trước như trong luyện võ vẫn chào nhau là “tiên sinh”, trân trọng giá trị cốt lõi, gìn giữ truyền thống và thành quả sau này chính mình và thế hệ sau được hưởng, đấy chính là đã tạo phước.